Đặt việc làm luật lên hàng đầu - bước quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kỳ họp thứ Bảy là kỳ họp đầu tiên sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành. Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng, Kỳ họp thứ Bảy là một trong những kỳ có vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thi hành Hiến pháp, cụ thể hóa các nội dung đã được hiến định thông qua việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các đạo luật. Kết quả Quốc hội đã thông qua 11 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Và đây đều là những dự luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới, sớm đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Phóng viên: Kỳ họp thứ Bảy là kỳ họp đầu tiên sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành. Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ họp này?

Đặt việc làm luật lên hàng đầu - bước quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp mới - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội
Bùi Mạnh Hùng

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng: Kỳ họp thứ Bảy này có vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 – một nhiệm vụ rất quan trọng của Quốc hội. Chính vì vậy mà công tác xây dựng luật đã được đặt lên hàng đầu với 11 luật và 2 Nghị quyết đã được thông qua, 16 dự án luật được cho ý kiến lần đầu. Đây đều là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến Hiến pháp mới.

 Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã chi phối rất nhiều thời gian, mối quan tâm và tình cảm của các đại biểu Quốc hội. Bất kể khi thảo luận về một dự án luật hay về nội dung kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đều dành tình cảm, thể hiện sự quan tâm, biểu thị chính kiến, thái độ thông qua các ý kiến phát biểu.

Có thể nói, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành tất cả nội dung chương trình đề ra. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường ở Biển Đông như hiện nay, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa, mạnh hơn nữa để ổn định nền kinh tế và không bị lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Về công tác xây dựng pháp luật, một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy chưa được chuẩn bị kỹ, việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới chưa được thể hiện tốt, có dự án luật gần như trích nguyên văn Hiến pháp, có dự án luật lại thiếu sự phối hợp của các ngành liên quan, thậm chí thiếu tầm nhìn xa, bó hẹp trong phạm vi phục vụ cho công tác quản lý ngành. Đây là một trong những nguyên nhân mà một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đi đến thống nhất.

Trong 16 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy, có lẽ một trong những dự án luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm không chỉ tại các phiên thảo luận ở tổ hay ở hội trường là dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Mối quan tâm này có lẽ cũng dễ hiểu bởi với dự án luật này Quốc hội thực hiện việc làm luật cho chính mình. Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã đáp ứng được yêu cầu vừa cụ thể hóa Hiến pháp vừa tạo điều kiện để Quốc hội tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hay chưa, thưa Phó trưởng Đoàn?

Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Những quy định về tổ chức Quốc hội đã được đề cập khá nhiều và cũng khá cụ thể trong Hiến pháp. Ban soạn thảo đã nghiên cứu và chuẩn bị công phu, nhìn chung đã tuân thủ tinh thần của Hiến pháp mới. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, trước đây, khi Quốc hội tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại các hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho nội dung này, một vấn đề rất quan trọng được đề cập là việc bảo vệ Hiến pháp. Một số ý kiến cho rằng, cần phải có một cơ quan bảo hiến độc lập, cần có một cơ chế bảo hiến hiệu quả hơn nữa.

Khi đó, tôi cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Bảo vệ Hiến pháp là việc đương nhiên của toàn xã hội nhằm bảo đảm quyền năng tối thượng của Hiến pháp. Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp thì bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phải là nhiệm vụ hàng đầu. Qua nhiều lần trao đổi, thảo luận, Quốc hội đã thống nhất là chưa đến mức cần có cơ quan bảo hiến chuyên trách, độc lập mà bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hành chính Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chủ yếu là các cơ quan của Quốc hội thông qua việc kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các dự luật trình Quốc hội.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Bảy, nhiệm vụ, trách nhiệm bảo hiến của Quốc hội có phần còn mờ nhạt. Tôi đề nghị, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp tới cần có thêm một điều luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp. Nội dung này cũng được quy định cụ thể trong phần nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn này phải thật cụ thể, thường xuyên và đủ sức mạnh để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Việc thẩm định, thẩm tra các dự án luật, giám sát các văn bản hướng dẫn thi hành luật... đều phải được xem xét cơ sở pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản này, và nếu có nội dung không đúng, không phù hợp với Hiến pháp thì phải có trách nhiệm và có quyền bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ.

Trong điều kiện chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp thì các cơ quan của Quốc hội phải phát huy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm bảo hiến. Thực tế cho thấy nhiệm vụ này đã được quy định cho Ủy ban của Quốc hội, nhưng do thiếu cơ chế thực hiện nên chưa thật sự bảo đảm tính khả thi. Sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này cần quy định cơ chế, chế tài cụ thể để nhiệm vụ bảo hiến được thực hiện một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Liên quan đến dự án Luật này, tôi còn quan tâm đến vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội. Tôi rất đồng tình với một số ý kiến là không biết vị trí Đoàn đại biểu Quốc hội hiện đang ở đâu? Không phải cơ quan của địa phương mà cũng không phải là cơ quan của Quốc hội. Dù có con dấu, có phê chuẩn chức vụ của Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng không có quyết định thành lập Đoàn; phụ cấp chức vụ của Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ngang với phụ cấp của Phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; Trưởng đoàn có phụ cấp chức vụ ngang với Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng hơn hết, danh không chính thì ngôn không thuận. Là đại biểu của dân mà ngôn không thuận thì làm sao trở thành tiếng nói chính thống, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri địa phương?

Nói điều này, không phải vì vị thế của một đại biểu Quốc hội chuyên trách mà chúng tôi mong muốn vai trò, vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội phải được khẳng định, làm rõ trong sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này. Chẳng hạn, Điều 4 dự thảo Luật quy định: Cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, mà không thấy đề cập gì đến Đoàn đại biểu Quốc hội. Và, tại Điều 58, dự thảo Luật quy định Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho các đại biểu Quốc hội giám sát (chứ Đoàn đại biểu Quốc hội không thực hiện chức năng giám sát).

Nhưng một số điều khác, hoặc một số văn bản khác, lại quy định về công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cho Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát. Điều này thể hiện sự lủng củng, lúng túng, trong tư duy có sự không thống nhất, mâu thuẫn, không chặt chẽ. Thiết nghĩ, khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan soạn thảo phải thể hiện rõ khái niệm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố bởi có lẽ thật khó hoạt động nếu chưa rõ ràng về mặt khái niệm.

Và trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý sắp tới, dự thảo Luật cần hoàn thiện theo hướng như thế nào, thưa Phó trưởng đoàn?

Theo tôi, hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội đang thực hiện nhiệm vụ gần như một cơ quan của Quốc hội đặt tại địa phương. Dù không danh chính ngôn thuận, nhưng với tâm huyết của mình, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương đã và đang tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri tin tưởng giao phó. Thực tế đã và đang chứng minh điều này. Song, đây là thời điểm cần xem xét để xác định địa vị pháp lý chính thức của Đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ quan của Quốc hội đặt tại địa phương.

Đoàn đại biểu Quốc hội phải có văn phòng riêng và nghiên cứu tăng thêm đại biểu chuyên trách tại mỗi Đoàn. Có như vậy mới tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn cho hoạt động của Quốc hội và ngược lại các quyết định của Quốc hội cũng sát thực tiễn, sát cơ sở, sát với đời sống của nhân dân hơn.

Tại Kỳ họp thứ Bảy, trước những ý kiến còn khác nhau, Quốc hội đã quyết định chưa vội thông qua ngay nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Phó trưởng đoàn đánh giá như thế nào về quyết định này?

Tôi đồng ý với quyết định dừng việc thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi). Quyết định chưa thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi) là sự thận trọng của Quốc hội, thể hiện Quốc hội đã cân nhắc, tôn trọng ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Quốc hội chưa vội thông qua ngay, dẫu rằng theo chương trình Kỳ họp thứ Bảy thì nghị quyết này là một trong những dự thảo sẽ được thông qua vào cuối Kỳ họp.

Đây là quyết định thể hiện hài hòa giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Đảng và ý kiến khác của các đại biểu Quốc hội. Việc dừng lại là hợp lý, thực sự không gây ảnh hưởng đến việc lấy phiếu tín nhiệm, vì Quốc hội khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Tám tới.

Xin cám ơn Phó trưởng đoàn!