Nên mở rộng quyền tiếp nhận và xử lý nợ cho DATC

PV.

Đến nay, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ trên 3.000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa; xử lý nợ gắn với tái thiết cho trên 180 doanh nghiệp; giúp trên 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn tất cổ phần hóa. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của DATC thì cần tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của DATC...

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trong hơn 30 năm cải cách và mở cửa kinh tế, qua từng giai đoạn Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc nhận diện cũng như xử lý nợ xấu gắn với các chương trình cải cách kinh tế, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và tái thiết doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực DNNN) theo hướng thị trường hóa với những can thiệp hợp lý của Chính phủ.

Trong tiến trình ấy, Chính phủ đã thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC, nay là Công ty Mua bán nợ Việt Nam) vào năm 2003 với vai trò là công cụ gắn xử lý nợ ngân hàng với làm lành mạnh tài chính nhằm tái thiết phục hồi hoạt động những doanh nghiệp mắc nợ.

Đến nay, DATC đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ trong và ngoài nước cho doanh nghiệp; hỗ trợ trên 3.000 doanh nghiệp xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa; xử lý nợ gắn với tái thiết cho trên 180 doanh nghiệp; giúp trên 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn tất cổ phần hóa.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của DATC đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, trước những thay đổi của thị trường mua, bán nợ cũng như các cơ chế chính sách so với tổ chức tương đồng DATC như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đặc biệt là khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để tháo gỡ vướng mắc cho DATC, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC. 

So với cơ chế hiện nay, dự thảo nghị định có bổ sung nhiều quy định mới về hoạt động của DATC. Cụ thể như, với hoạt động tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản, DATC tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cổ phần hóa và tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ nợ phải thu và tài sản thông thường, bổ sung tài sản khác là các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi cho Nhà nước.  

Theo DATC, tại một số doanh nghiệp mà công ty thực hiện tiếp nhận hoặc mua, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định thì có một số dự án tồn đọng, tuy nhiên do chưa có cơ chế nên DATC không tiếp nhận hay mua lại dự án này để tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước. Việc bổ sung quy định như trên sẽ tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả đối với các đối tượng này.  

Về các quyền của DATC, bên cạnh việc bổ sung quyền hạn trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, DATC cũng được thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính tương tự như VAMC, quyền bảo lãnh vay vốn tín dụng.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quyền như trên là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp (tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh).

Việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải gắn với phương án tái cơ cấu được phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.