DATC sẽ tham gia tái cơ cấu các dự án thua lỗ
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương, ngày 03/4/2020, tại trụ sở Chính phủ.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quá trình xử lý sẽ không tránh khỏi nhu cầu cần chi phí để xử lý, tái cơ cấu…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, cho phá sản. Cần có giải pháp quyết liệt, thực tế hơn, không loay hoay trên sổ sách, trưng cầu đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định về giá trị tài sản, các vấn đề pháp lý, tìm đối tác trong và ngoài nước cùng ngành nghề, tiềm lực và kinh nghiệm để hợp tác, tiếp tục vận hành dự án, chốt phương án xử lý như bán hoặc thoái vốn, cho thuê, liên doanh.
Về hướng xử lý các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Trong quá trình thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu theo đúng vai trò, chức năng.
Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo đề án và kế hoạch của ban chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại đề án.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp chủ đầu tư. Đồng thời, phối hợp các tập đoàn, tổng công ty, nhất là với DATC để xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ ngân hàng.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Phó Thủ tướng giao chỉ đạo: Khẩn trương hoàn thiện báo cáo tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.
Đánh giá về sự tham gia của DATC vào việc xử lý nợ, tái cơ cấu các dự án thua lỗ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng là hết sưc cần thiết. Điều này sẽ phát huy được khả năng của DATC là công cụ sử lý nợ, tài sản tồn đọng, tái cơ cấu doanh nghiệp mà đơn vị này đã thực hiện tốt trong hơn 15 năm qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để phát huy vai trò của DATC trên thị trường mua bán nợ, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp thì cần sớm nâng cao địa vị pháp lý của Công ty này. Theo đó, cần sớm ban hành Nghị định quy định về chức năng, cơ chế hoạt động cho DATC. Trong đó, bổ sung một số quy định mới để phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và đặc thù hoạt động của DATC.
Cụ thể như: mở rộng đối tượng mua, bán nợ; mức độ xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp khách nợ; hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn với doanh nghiệp tái cơ cấu; các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu; chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC; phương thức thoái vốn phù hợp với đặc thù hoạt động…
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hiện đang áp dụng đối với DN tương đồng về hoạt động kinh doanh mua bán, xử lý nợ đối với DATC. Điển hình như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước; cơ chế tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ.
Năm 2019, DATC đã mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, bằng 124% so với năm 2018
Điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DATC, cũng như hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, thu hồi nợ của DATC trong quá trình phục hồi doanh nghiệp.
Những cơ chế, chính sách trên được ban hành sẽ góp phần giúp DATC làm tốt hơn nhiệm vụ hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong việc đánh giá lại thực trạng nợ và đàm phán với các chủ nợ để giải quyết những công nợ tồn đọng của các tập đoàn, tổng công ty. Qua đó, thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sớm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.