DATC và những vướng mắc trong xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp
Việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng phá sản, đình trệ trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nghiệp vụ này, DATC còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hoạt động mua và xử lý nợ xấu của DATC ngoài góp phần hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam còn tạo ra các cơ hội để phát triển một số ngành nghề và định chế tài chính trung gian như định giá nợ, bán đấu giá nợ, sàn giao dịch nợ, công ty mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ, công ty dịch vụ tư vấn tài chính thuộc các thành phần kinh tế khác.
Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động, DATC vẫn đang gặp phải nhiều khăn khăn. Điển hình như: Hạn chế về cơ chế chính sách và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp; Thiếu hệ thống chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu; Chưa có chính sách hỗ trợ khoanh, gia hạn các khoản nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp tái cơ cấu để tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Hoạt động mua, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp theo cơ chế thị trường là lĩnh vực hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Khuôn khổ pháp lý cao nhất cho hoạt động của DATC khi thành lập và kéo dài cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 chỉ có Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, các hoạt động của DATC đều phải vận dụng dựa vào các Luật, Nghị định thuộc ngành, lĩnh vực khác có liên quan để thực hiện.
Mặc dù, năm 2017 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết này được gia hạn thêm đến 31/12/2023 đã tạo nhiều cơ chế chính sách cho hoạt động mua bán nợ.
Tuy nhiên, do DATC không thuộc đối tượng được áp dụng nên đã bị hạn chế đáng kể, điển hình như quyền tiếp cận mua và xử lý nợ trong hệ thống ngân hàng, các quy định trong giao dịch đảm bảo, thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo nợ, việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của tổ chức kinh tế...
Điều này gây ra mức độ rủi ro lớn hơn, làm hạn chế hiệu quả tiếp cận thị trường và cản trở quá trình tham gia hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách xử lý nợ hiện nay mới chỉ tập trung vào các giải pháp mua, xử lý nợ xấu cho hệ thống các tổ chức tín dùgj nhưng lại thiếu các chính sách hỗ trợ cho các con nợ là doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo nguồn trả nợ.
Các doanh nghiệp trước khi được DATC tái cơ cấu, xử lý nợ thường ở trong tình trạng hoạt động yếu kém, mất khả năng thanh toán hoặc trong tình trạng phá sản. Sau khi được DATC tái cơ cấu, doanh nghiệp cần có nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ... nhưng lại rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do doanh nghiệp có lịch sử tín dụng xấu.
Việc cho vay, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mà DATC tham gia tái cơ cấu cũng còn nhiều hạn chế, chưa có nguồn lực tài chính đủ lớn để tài trợ cho xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế của quá trình này.
Đối với các doanh nghiệp DATC không chiếm tỷ lệ chi phối, sẽ không được DATC bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn, tiếp cận nguồn vốn phù hợp để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn, lâm vào phá sản, DATC và các chủ nợ khác cùng nhau thực hiện các biện pháp giảm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Tuy nhiên, do Luật thuế không quy định trường hợp khoanh nợ, gia hạn nợ thuế tồn đọng cho các doanh nghiệp thuộc diện tái cơ cấu nên các cơ quan thuế luôn gây áp lực buộc doanh nghiệp trả nợ, phạt lãi chậm trả, không cho phép phát hành hóa đơn bán hàng… gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Xét về phương diện pháp lý, các khoản nợ thuế của doanh nghiệp là các khoản nợ không có tài sản bảo đảm và không được xem là khoản nợ ưu tiên, cho nên khả năng thu hồi nợ thuế tồn đọng đối với các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là rất thấp, thậm chí không thu được.
Vì vậy, với vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tái cơ cấu phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động thì Nhà nước cũng có trách nhiệm xử lý nợ cho doanh nghiệp như các chủ nợ khác thông qua việc ban hành các quy định pháp luật về cơ chế khoanh, giãn thời hạn nộp thuế tồn đọng cho các doanh nghiệp có khó khăn về tài chính được cơ cấu lại.