DATC tìm giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ

PV.

Công ty TNHH Mua bán nợ vừa tổ chức Tọa đàm “Công tác thị trường mua bán nợ: Thảo luận những bất cập và giải pháp phát triển” nhằm đánh giá thực trạng khó khăn, thách thức, những tác động lên thị trường và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, cũng như phát triển thị trường trong thời gian tới.

Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Thách thức đặt ra

Với tác động tích cực từ những biến động trên thế giới, thị trường Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn trong giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn 2021 – 2025, kinh tế thế giới được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga – Ukraine, đại dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, bởi vậy nợ xấu có xu hướng tăng và dự kiến còn tăng cao trong thời gian tới.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro thanh khoản trong trung hạn. Việc bán, phát mại tài sản để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do thị trường thanh lý tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch.

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội chưa phát huy hiệu quả… Ngoài ra, trong xử lý nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao.

Có thể nói, áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát sao. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ.

Giải pháp nào để phát triển thị trường mua bán nợ?

Trước thực trạng thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện nay, đòi hỏi đặt ra cần có giải pháp hữu hiệu. Mới đây, DATC đã tổ chức Tọa đàm “Công tác thị trường mua bán nợ: Thảo luận những bất cập và giải pháp phát triển” nhằm đánh giá những tác động lên thị trường và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, cũng như phát triển thị trường trong thời gian tới.

Tại buổi Tọa đàm, các vấn đề xung quanh thị trường mua bán nợ đã được trao đổi thẳng thắn để nhìn nhận về khả năng thích ứng của DATC trong giai đoạn đầy khó khắn, thách thức sắp tới, từ đó đưa ra phương hướng để định hình kế hoạch hành động cho DATC...

Tọa đàm cho thấy, thái độ của DATC khi tiếp cận thị trường đã thay đổi. Các đơn vị kinh doanh đã tiếp cận với thái độ DATC là một cấu phần làm nên thị trường mua bán nợ và chấp nhận thực tế cạnh tranh sòng phẳng.

Tuy nhiên, DATC cần đa dạng hóa sản phẩm, cách thức thực hiện và nhẫn nại khi tiếp cận thị trường; tôn trọng nguyên tắc hợp tác đảm bảo lợi ích cho các bên và hơn hết bảo toàn vốn Nhà nước. Đây là các yếu tố chi phối cách thức tiếp cận và làm thị trường.

Trên thực tế, DATC có nhiều lợi thế để được nhiều ngân hàng, DN lựa chọn làm đối tác, với bề dày truyền thống, vai trò, vị thế trên thị trường mua bán nợ Việt Nam. Hơn nữa, DATC ngày càng có độ mở về phương pháp xử lý nợ, tự linh hoạt hóa và mở rộng với nhiều cách thức nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và các đối tác.

Ngoài ra, tiếp cận thị trường cần đa chiều và đa dạng, mở rộng đối tượng khách hàng như: Các cơ quan quản lý, Hiệp hội, Ban Quản lý khu công nghiệp, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… không hạn chế chiều tiếp cận. Điều này được minh chứng cụ thể tại Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 27/10/2020 của Chính phủ đã mở rộng cho DATC được phép xử lý các khoản nợ cận xấu miễn là đảm bảo tuân thủ quy trình. 

DATC cũng đã hợp tác rất thành công với các ngân hàng lớn, vì vậy các đơn vị kinh doanh cần rút kinh nghiệm để DATC tiếp tục mở rộng việc hợp tác với các ngân hàng và các tổ chức liên quan khác.

DATC luôn xác định, việc xây dựng kế hoạch thực hiện phương án mua bán, xử lý nợ rất quan trọng. Đây là cách định hình ứng xử và phương hướng giải pháp của cả phương án.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh cần linh hoạt trong các phương thức xử lý nợ; không nên chỉ hạn chế một vài hình thức xử lý nợ truyền thống mà cần tham gia vào hoặc hợp tác với nhà đầu tư trong quá trình xử lý nợ, như vậy độ mở của thị trường cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc tiếp cận và xử lý các phương án nhưng cũng không nên quá thận trọng vì như vậy sẽ lỡ mất cơ hội.

Từ những định hướng cụ thể, DATC sẽ xây dựng kế hoạch chương trình phát triển thị trường trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2035. Đây sẽ là những kế hoạch hành động nêu rõ, cụ thể các chiến lược cần thực hiện, các mục tiêu cần đạt được để có thể ứng phó tốt nhất với những thách thức tác động từ bên ngoài đến thị trường mua bán nợ nói chung và DATC nói riêng.