Dấu ấn của cán bộ Kho bạc ở Cao Phạ
(Tài chính) Nơi ấy, vùng đất mà chỉ đồng bào Mông dám ngồi trên lưng ngựa song cũng phải quay mặt vào vách núi mà đi. Vùng đất ấy, người ta thèm ăn một bữa ngô no cũng còn khó nên càng không thể mơ đến một nồi cơm trắng. Vậy mà, bằng nhiệt huyết của cán bộ công chức (CBCC) Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Yên Bái, bà con xã vùng cao Cao Phạ- Mù Cang Chải- Yên Bái đã đủ ăn, có điện thắp sáng và những con đường bê tông sáng trắng như mây chạy về tới tận bản.
Đưa ánh sáng về bản
Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ giúp xã Cao Phạ vào năm 2007, theo sự phân công của UBND tỉnh, Phó Giám đốc KBNN tỉnh Yên Bái Địch Thị Thuyết như còn chất chứa những âu lo. Làm gì và làm như thế nào để giúp Cao Phạ phát triển về kinh tế xã hội, ổn định về an ninh trật tự khi mà vùng đất này điện lưới Quốc gia còn chưa về tới; tình trạng đói nghèo cùng với tệ nạn nghiện hút và tái trồng cây thuốc phiện đã ăn sâu vào nếp của đồng bào nơi đây…là những câu hỏi đặt ra với không chỉ các đồng chí trong Ban Giám đốc mà là trách nhiệm chung của toàn thể CBCC trong đơn vị.
“Nhưng giờ thì khác, đường lên xã thênh thang, rộng mở hơn nhiều. Hiện đã có 510/784 hộ gia đình được sử dụng điện lưới Quốc gia để thắp sáng và sản xuất” –Phó Giám đốc Địch Thị Thuyết nói hình ảnh như thế khiến chúng tôi không thể không về Cao Phạ để tận mắt thấy những điều vừa nghe...
Sau gần 4 giờ đồng hồ, với ngót nghét 200 cây số đường rừng, chúng tôi đến đèo Khau Phạ (theo tiếng Thái nghĩa là sừng trời)- với chiều dài 27 km nhưng đèo Khau Phạ được xem là một trong “tứ đại đèo” dài và hiểm trở nhất vùng Tây Bắc. Trên đèo, dấu vết của những vụ lở núi vẫn còn hiện hữu với các vụ trượt ta-luy. Nằm chênh vênh giữa lưng đèo, xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hiện ra trong tiết trời bảng lảng, sương mù che phủ. Lúc này chúng tôi mới hiểu rằng, với thời tiết khắc nghiệt cùng với địa hình núi cao khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn cũng là điều dễ hiểu.
Theo Chủ tịch UBND xã Cao Phạ, Giàng A Dê thì cả xã vẫn còn tới 653 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ gần 70%). Trong khi đó, do hầu hết cư dân trong xã là người dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác còn lạc hậu thêm cả thiếu vốn, thiếu kiến thức… làm cho con đường thoát nghèo của người dân nơi đây đã khó càng thêm khó. Nước trên rừng chảy về ruộng lạnh lắm nên chỉ làm được một vụ, thời gian còn lại người dân chủ yếu lên rừng hái thuốc, lấy củi. Cũng có vài hộ đầu tư chăn nuôi nhưng hiệu quả không cao do không có bãi chăn thả mà trâu, bò lại hay bị chết rét.
“Đã hơn 7 năm qua, Kho bạc Yên Bái là “người nhà” của Cao Phạ chúng tôi. Sự giúp đỡ của các anh, các chị ở Kho bạc chẳng thể kể hết. Chính các anh, các chị ở Kho bạc đã giúp xã làm hồ sơ, thủ tục để kéo điện về với bản làng. Và các anh, các chị đã phối hợp cùng với chính quyền xã bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, những vấn đề khó như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả; áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác... Nhờ thế mà bà con xã Cao Phạ mới hiểu hơn ý nghĩa của việc học tập bài bản, khoa học.”- Chủ tịch xã Giàng A Dê chia sẻ.
Những chuyện bữa đói, bữa no trong các gia đình đã ít đi. Việc bà con sống rải rác vì thiếu nước sinh hoạt hay việc trưởng bản phải đi hết ngày sang đêm khi có việc cần thông báo đến dân bản... cũng dần đi vào quá khứ. Con đường vắt ngang núi từ bản Ít Thái đến bản Lìm Thái… đã trải bê tông giúp nhân dân thuận tiện đi lại, hàng hóa thông thương. Trước kia, khi chưa có đường đi, người ta chỉ nhận ra nhau bằng tiếng gọi phủ đầy sương trắng. Giờ đây thì khác, vẫn đoạn đường này, họ có thể phóng xe máy vèo vèo xuống tận chợ. Những công trình thủy lợi đã được nâng cấp và sửa chữa đảm bảo nước tưới tiêu vào đồng ruộng.
Còn đó những trăn trở
Theo phong tục, đồng bào người Mông ăn Tết theo năm Dương lịch và ăn Tết cả tháng, trong khi đó là thời điểm sản xuất vụ Đông Xuân nên rất khó tuyên truyền các chính sách tới bà con. Do vậy, trong 2 năm trở lại đây, Ban Giám đốc KBNN Yên Bái trực tiếp là Giám đốc Bùi Văn Đinh đã cùng với CBCC trong đơn vị xuống tận bản vận động, tuyên truyền đồng bào cùng ăn Tết cổ truyền của dân tộc và kết quả đã thành công.
Làm sao cho bà con đủ ăn bởi theo phong tục tập quán lâu đời người dân Cao Phạ chỉ độc canh 1 vụ? Năm nào trời thương thì cho ăn, nếu không cũng chẳng có mèn mén (ngô xay) để chan canh rau cải. Việc làm trước mắt là giúp dân thoát đói nghèo, cán bộ Kho bạc đã phối hợp với các ngành hỗ trợ phân bón, giống và hướng dẫn cho bà con canh tác theo 2 vụ. Sau khi giải quyết nạn đói 3 tháng giáp hạt, đến nay bà con đã đủ ăn cả năm.
Cán bộ KBNN Yên Bái còn hướng dẫn, giúp đỡ xã thực hiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đã tạo thuận lợi cho bà con nhân dân phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, việc triển khai dự toán ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách trên địa bàn xã Cao Phạ đã trơn tru, không còn tình trạng tồn đọng, vướng mắc, đảm bảo mọi khoản chi đúng đối tượng, đúng mục đích, không để thất thoát, lãng phí tài sản và tiền của Nhà nước. Trong đó, phải kể đến sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Kho bạc đối với đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán ngân sách xã.
Nhìn lại quãng đường 7 năm gắn bó với Cao Phạ, hình ảnh CBCC Kho bạc đã in dấu ấn đối cuộc sống thường ngày của bà con Cao Phạ thông qua những việc làm thầm lặng như: Thăm hỏi bà con nhân dịp Lễ, Tết; Tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng quà cho các cháu học sinh nhân dịp Khai giảng, Ngày 1/6, Tết Trung thu; Tham gia chương trình vận động “Nhường cơm xẻ áo”, quyên góp sách, vở cho các cháu học sinh vùng cao…. Hỗ trợ UBND xã trang thiết bị tin học, văn phòng… Với tổng số tiền chắt chiu từ những đồng tiền quyên góp của CBCC trong đơn vị, tính ra cũng trên dưới 150 triệu đồng.
Còn nhớ vào thời điểm tháng 4-2012, xã Cao Phạ hứng chịu trận mưa lốc, gây thiệt hại lớn về người và của. Khi biết tin, KBNN Yên Bái đã cử đoàn công tác lên thăm hỏi động viên và cùng với bà con khắc phục hậu quả. Trong đó, đã trực tiếp hỗ trợ tiền cho 3 hộ gia đình ở bản Lìm Mông bị đổ nhà dựng lại nhà mới.
Chia tay Cao Phạ, chúng tôi mới hiểu có một chân lý ngàn đời, khó có thể lay chuyển, từ hòn đá, bờ đất, nhành lá, bông hoa, giọt nước nơi này, đều có sự sống. Được lắng đọng vào những câu chuyện, tên đất, tên người hết sức giản dị nhưng cũng rất đỗi kiên cường. Và chúng tôi mới hiểu nỗi trăn trở của Giám đốc KBNN Yên Bái Bùi Văn Đinh về Trường mầm non của xã chưa đủ lớp cho học sinh; Trường tiểu học còn thiếu dụng cụ nấu bếp, chăn ấm cho học sinh bán trú… Đến những bản “mờ xa” như Kháo Nhà, Là Lẩu, Ngây Thầu vẫn thiếu ánh điện.