Dấu ấn xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021
Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vai trò “tích cốc phòng cơ” của ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) cũng luôn vẹn nguyên giá trị. Vai trò quan trọng đó càng được khẳng định đậm nét hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đặc biệt, việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) kịp thời trong phòng, chống dịch đã trở thành dấu ấn nổi bật trong công tác của ngành DTNN trong năm 2021 vừa qua.
Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương
Kịp thời xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được ngành DTNN tập trung chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực triển khai xuất cấp kịp thời hàng DTQG hỗ trợ các địa phương.
Theo đó, ngay sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các địa phương, Tổng cục DTNN đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực để triển khai ngay kế hoạch xuất cấp. Đồng thời, có văn bản gửi UBND các tỉnh được hỗ trợ hàng DTQG đề nghị phối hợp với các Cục DTNN khu vực có kế hoạch tổ chức tiếp nhận kịp thời hàng DTQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục cũng đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị được giao xuất cấp hàng DTQG chủ động liên hệ, báo cáo UBND các tỉnh sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia đến các đối tượng thụ hưởng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, phương tiện, nhân lực bốc xếp, vận chuyển… thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất kho bảo đảm xuất cấp kịp thời theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của UBND các tỉnh.
Với tinh thần triển khai quyết liệt, trong năm 2021, ngành DTNN đã thực hiện xuất cấp 141.971 tấn gạo cho 33 tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Xuất các mặt hàng vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho các địa phương gồm: 410 bộ nhà bạt cứu sinh và 14 bộ máy phát điện cho UBND TP. Hồ Chí Minh; 100 bộ nhà bạt và 10 bộ máy phát điện loại 30 KVA cho Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) để trang cấp ngay cho các lực lượng phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ; 100 bộ nhà bạt các loại và 08 bộ máy phát điện cho các tỉnh: Cần Thơ, Bình Phước, Sóc Trăng; 15 bộ nhà bạt các loại và 01 bộ máy phát điện loại 136-150KVA cho tỉnh Tây Ninh.
Toàn bộ lương thực, vật tư, thiết bị DTQG hỗ trợ cho các địa phương đã được các Cục DTNN khu vực xuất cấp hỗ trợ theo đúng kế hoạch tiếp nhận của các địa phương. Hàng DTQG xuất cấp bảo đảm đúng danh mục, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu về thời gian, hiệu quả, tiết kiệm tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Nhiều cách làm sáng tạo
Thực tế cho thấy, công tác xuất cấp hỗ trợ hàng DTQG cho các địa phương để phòng, chống dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn; thực hiện nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch COVID-19 tại các địa phương tiếp nhận hàng hỗ trợ diễn biến phức tạp, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Hơn nữa, thời điểm xuất cấp giao nhận hàng trong mùa mưa, kho bãi tập kết gạo của hầu hết các quận, huyện đều không đảm bảo. Lực lượng tiếp nhận, bảo quản gạo, hàng hóa sau khi bàn giao cũng gặp khó khăn do địa phương rất thiếu nhân lực, đặc biệt trong việc tìm kiếm công nhân bốc xếp để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các địa phương...
Mặt khác, số lượng gạo giao nhận lớn và phải hoàn thành trong thời gian ngắn cũng là thách thức không nhỏ đối với công tác xuất cấp hàng DTQG. Trong khi đó, lực lượng cán bộ công chức DTNN rất mỏng; các địa phương tiếp nhận gạo đều là các vùng tâm dịch, đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phương tiện vận chuyển bị hạn chế, kiểm soát chặt chẽ... dẫn đến công tác vận chuyển, bốc xếp, giao nhận gạo, kiểm tra, kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một trong những khó khăn khác gặp phải trong quá trình xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ phòng, chống dịch thời gian vừa qua là có thời điểm nguồn gạo dự trữ tại chỗ của các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn các tỉnh phía Nam không đủ để hỗ trợ cho các địa phương. Trước tình hình đó, để bảo đảm kịp thời gạo hỗ trợ cho người dân, căn cứ vào nguồn gạo, mùa vụ thu hoạch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục DTNN đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai phương án mua gạo trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Gạo được vận chuyển từ kho của các doanh nghiệp đến giao trực tiếp cho các địa phương theo phương thức "tay ba" với doanh nghiệp trúng thầu tại trung tâm quận, huyện, thị xã thuộc 09 tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ số lượng gạo đã được hỗ trợ kịp thời đến người dân, bảo đảm số lượng, chất lượng, theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những phương thức giao nhận mới, lần đầu tiên ngành DTNN thực hiện.
Có thể nói, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng cục DTNN và tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, công chức ngành DTNN, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong mọi điều kiện, tình huống, đã khắc phục khó khăn, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ cho các địa phương, để lại dấu ấn đậm nét trong thực hiện nhiệm vụ của ngành DTNN năm 2021.
Theo Phạm Việt Hà/Bài đăng trên Bản tin Dự trữ Nhà nước tháng 1+2/2022.