Dầu mỏ không còn là chiếc đũa thần

Theo daibieunhandan.vn

Một lần nữa, giá dầu thế giới lại tuột dốc sau khi Trung Quốc có động thái điều chỉnh tỷ giá. Giá dầu giảm đã ngay lập tức tác động tới đồng nội tệ của Nga. Nhưng khác với những lần trước, thay vì tiếp tục hy vọng về một kết thúc có hậu của giá dầu, giới chức Nga đã bắt đầu chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự sụt giảm của giá dầu đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu xuất khẩu của Nga. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thuế quan Liên bang, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã giảm khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 48,1 tỷ USD. Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga trong cùng thời gian trên tăng gần 10%, đạt 120,5 triệu tấn.

Giá dầu giảm đã khiến đồng ruble chao đảo mạnh. Các chuyên gia chứng khoán lo ngại rằng tỷ giá 64 ruble/1 USD và 70 ruble/1 euro sẽ còn tiếp tục bị thủng đáy. Trong bản đánh giá về thị trường, các chuyên gia phân tích của Sberbank SIV nhận định đồng ruble có vẻ như đã không thể chịu nổi cú đòn do giá dầu giảm. Họ cho rằng mối quan hệ giữa giá dầu và tỷ giá hối đoái với đồng ruble tiếp tục mang tính chi phối so với các yếu tố khác, góp phần làm tăng biến động trên thị trường tiền tệ theo hướng tỷ giá giữa USD với đồng ruble sẽ tăng hơn nữa.

Lúc này, tất cả các phòng ban liên quan lĩnh vực kinh tế thuộc Điện Kremlin đều đang dốc sức theo dõi chặt chẽ các động thái của giá dầu. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống, Dmitry Peskov cho rằng việc làm đó đã từng diễn ra trong quá khứ, song mỗi khi dầu giảm giá, Nga vẫn không tránh khỏi lúng túng và đồng ruble Nga lại chao đảo đáng kể. Và như một tâm lý tất yếu, họ lại kỳ vọng giá dầu sớm tăng trở lại, coi đó như một phương cách cứu rỗi nền kinh tế đang khủng hoảng sâu sắc.

Mùa thu năm 2014, giá dầu thô Brent giảm xuống dưới 100USD/thùng. Rất nhiều người đã lo ngại về những hậu quả kéo theo, song tiếc là trong số đó không có giới lãnh đạo của đất nước. Giữa tháng 10 năm ngoái, khi giá dầu được giao dịch dưới ngưỡng 90USD/thùng, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng giá dầu sẽ sớm tự điều chỉnh, bởi vì không nhà kinh tế nào lại không quan tâm đến việc giữ giá. Khi giá dầu giảm xuống ngưỡng 80USD/thùng, Tổng thống lại khẳng định: “Nếu giá dầu thế giới đứng ở mức 80USD/thùng, thì toàn bộ nền sản xuất sẽ sụp đổ”. Nhưng trên thực tế, giá dầu không dừng lại ở mức mà Tổng thống Nga “ấn định”.

Hiện Ngân hàng Trung ương Nga đã soạn thảo một số kịch bản cho nền kinh tế, theo đó tập trung chuẩn bị đối phó nếu giá dầu trong năm 2015 sẽ đứng ở ba mức khác nhau là 105, 95 và 84 USD/thùng. Đặc biệt, Nga cũng chuẩn bị cho một kịch bản được coi là xấu nhất. Đó là giá dầu trong năm 2015 có thể giảm xuống ngưỡng 60USD/thùng, dẫn đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể giảm từ 3,5 - 4%; còn nếu giá dầu giảm đến ngưỡng 40% thì GDP sẽ giảm 7%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng cả hai kịch bản trên đều khó xảy ra.

Trên thực tế, sự sụt giảm giá dầu chưa có dấu hiệu ngừng lại. Theo các báo cáo chứng khoán, gần như toàn bộ dầu thô Brent trong tháng 7 đã giao dịch dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cảnh báo, căn cứ biên độ dao động tương đối rộng của giá dầu trong tháng 8 từ mức 65USD - xuống dưới 50USD/thùng, giới chức Nga cần có suy nghĩ và đối sách thực tế hơn, tránh lạc quan quá mức.

Đã đến lúc giới chức Nga cũng như các chuyên gia kinh tế nước này cần xác định rõ rằng dầu mỏ không phải là phương thuốc thần kỳ cho nền kinh tế Nga. Nếu vẫn kỳ vọng vào giá dầu như một phép màu, nền kinh tế Nga khi đó sẽ phải trả giá.