Nhân dân tệ tiếp tục gây bất ngờ
Sáng nay 13/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu thêm 1,1% sau khi đã giảm lần lượt 1,9% và 1,6% vào 2 ngày trước đó.
RMB sẽ bị phá giá 10%?
Theo cơ chế tỷ giá mới, PBOC sẽ điều chỉnh tỷ giá bình quân hàng ngày nếu giá đóng cửa của ngày hôm trước chênh lệch quá nhiều so với tỷ giá bình quân. Biên độ điều chỉnh trong khoảng 2% và cơ quan này cũng sẽ sử dụng tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa của ngày hôm trước làm tỷ giá tham chiếu cho ngày kế tiếp.
Đây là một phần trong kế hoạch cải cách nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài là hướng đến một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt và dựa vào thị trường nhiều hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng, động thái bất ngờ của PBOC thực tế đang thể hiện sự lo ngại của cơ quan này trước triển vọng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin, PBOC đã yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh bán ra USD trong 15 phút giao dịch cuối cùng của thị trường Mỹ phiên ngày hôm qua nhằm không để tỷ giá RMB rơi sâu. Biện pháp này đã giúp đồng RMB tăng giá 1% so với đồng bạc xanh sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 năm trong phiên giao dịch.
Hôm qua, cơ quan này cũng tuyên bố sẽ không theo đuổi chính sách liên tục phá giá, đáp trả những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đang thao túng tỷ giá để làm lợi cho ngành xuất khẩu của mình.
Mặc dù hiện tại, PBOC chưa lên tiếng xác nhận về động thái hỗ trợ tỷ giá, nhưng thông tin này đã được thị trường coi như sự thật.
Tại một cuộc họp báo diễn ra sáng nay ở Bắc Kinh, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang nói những tin đồn về việc RMB sẽ bị phá giá 10% là “vô căn cứ”. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận nói rằng “nhiều nhân vật quyền lực trong Chính phủ muốn đồng RMB giảm giá hơn nữa, cho thấy áp lực phá giá tới 10%”.
Cũng trong sáng nay, PBOC tuyên bố không có cơ sở nào cho đồng RMB giảm giá sâu hơn, xét tới những yếu tố kinh tế nền tảng đang mạnh của Trung Quốc. Theo PBOC, môi trường kinh tế mạnh, thặng dư thương mại được duy trì, tình hình tài khóa lành mạnh và dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc là “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho tỷ giá đồng RMB.
Mục tiêu cứu vớt nền kinh tế
Trong một thời gian dài vừa qua, kể cả khi nền kinh tế Trung Quốc trồi sụt, thì giá đồng RMB vẫn cực kỳ ổn định. Nhưng chỉ trong ba ngày qua, giá đồng RMB sụt giảm tới 4,6%. Thông thường, tỷ giá đồng RMB chỉ dao động trong phạm vi cực nhỏ.
Do đó, bước đi của PBOC trong ba ngày qua đang dẫn tới những lo ngại lớn. Báo New York Times dẫn lời một số nhà phân tích nhận định điều đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn so với những gì chính phủ nước này thừa nhận.
Chính quyền Trung Quốc cho biết GDP nước này đạt 7% trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế thấp hơn nhiều và Bắc Kinh đang “tô hồng” số liệu để tránh nguy cơ bất ổn xã hội. Hiện tình hình kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu xấu.
Các thành phần cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc như ngành xây dựng đang suy yếu nghiêm trọng do thị trường địa ốc hụt hơi. Sản lượng xi măng giảm 5% tháng trước, kính tấm đúc sụt 13,5%, thép 1,8%... Tiêu dùng trong nước không cao như kỳ vọng trong khi ngành dịch vụ tài chính đang sa sút do khủng hoảng thị trường chứng khoán.
Eddie Cheung, chiến lược gia của Standard Chartered Plc tại Thượng Hải cho biết: "Nếu có biến động lớn, chẳng hạn như khoảng cách rất lớn giữa tỷ giá trong nước và nước ngoài, thì POBC sẽ can thiệp để bình ổn thị trường".
“Phá giá có điều tiết”
Christy Tan, trưởng ban chiến lược thị trường châu Á của ngân hàng thương mại National Australia nhận định, có một sự “phá giá có điều tiết" (managed devaluation) với cách thức và sự can thiệp cao từ phía chính phủ. Ông cho rằng, Trung Quốc cam kết thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá cố định và tỷ giá trên thị trường. Tuy vậy, tỷ giá trên thị trường vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động phi thị trường, đặc biệt là khi biến động tăng lên quá cao.
Sau hai ngày bị bán tháo liên tiếp vào thứ 3 và thứ 4 do tác động từ RMB phá giá, nhiều đồng tiền ở khu vực châu Á như đồng Ringgit của Malaysia, Rupiah của Indonesia, Đôla Australia, và Đôla Singapore đã hồi phục trong phiên sáng nay. Sự hồi phục này được cho là bắt nguồn từ động thái can thiệp của PBOC ngày hôm qua ngăn không cho RMB mất giá quá nhanh và mạnh.
"Tâm lý thị trường đã được cải thiện," Tommy Xie, nhà kinh tế thuộc Oversea-Chinese Banking Corp của Singapore cho biết. "PBOC sẽ tiếp tục can thiệp và điều chỉnh đồng RMB cho ở mức cân bằng hợp lý. Các nhà đầu tư đang dần ổn định sau hai ngày hoảng sợ".