Đấu thầu: Chọn giá rẻ hay năng lực?
Có đủ luật. Không thiếu quy định. Nhưng đấu thầu nhìn đâu cũng thấy sai phạm. Làm thế nào để chấn chỉnh, siết chặt quản lý; lựa chọn nhà thầu đủ năng lực hay bỏ thầu giá rẻ?
Tiết kiệm, nhưng đụng đâu sai đó!
Các đơn kiến nghị của các nhà thầu về hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu vẫn tiếp tục gửi đến các cơ quan quản lý. Việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận, thiếu công bằng, minh bạch... bị các cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ nghi vấn. Các vụ bắt bớ, tạm giam, điều tra, khởi tố hình sự... vẫn chưa kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay, cứ nghĩ đấu thầu qua mạng sẽ công khai, minh bạch nên đã giao hết cho ban quản lý đầu tư địa phương chịu trách nhiệm, từ tư vấn hồ sơ mời thầu, lựa chọn thầu... Chính quyền gần như không biết gì, không tài nào giám sát hết nên đã để xảy ra vi phạm.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam, trong vòng 2 năm (2019 - 2020) đã đấu thầu qua mạng hơn 8.900 gói thầu. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tiết kiệm ngân sách hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đụng đâu cũng thấy sai phạm trong hoạt động đấu thầu.
Hồ sơ mời thầu không đúng các mẫu ban hành, gia tăng tiêu chí không phù hợp, hạn chế nhà thầu tham gia dự thầu, thiếu công bằng, thiếu tính cạnh tranh. Các chủ đầu tư khoán trắng cho các nhà tư vấn mời thầu đăng tải hồ sơ sai lệch, việc đánh giá hồ sơ dự thầu, chọn thầu chủ quan, thiếu căn cứ..., dẫn đến lựa chọn những nhà thầu thiếu năng lực, hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thông thầu. Không thể xử lý những nhà thầu cố tình gian dối hoặc tham dự đấu thầu mang mục đích khác hơn là để trúng thầu thi công.
Ông Đinh Châu Hiếu Toàn - Tổ phó Tổ kiểm tra, giám sát đấu thầu cho biết, các cuộc kiểm tra cho thấy không ít gói thầu quy mô nhỏ nhưng bên mời thầu lại yêu cầu số lượng nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu huy động cho gói thầu quá nhiều. Yêu cầu các loại giấy xác nhận không phù hợp.
Các nhà thầu trúng thầu không đáp ứng các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu vẫn được bên mời thầu và chủ đầu tư thẩm định đạt, làm sai lệch kết quả đấu thầu.
Các địa phương thừa nhận còn quá nhiều sai sót. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, nhiều doanh nghiệp lập ra nhiều công ty để đấu thầu, chủ yếu nhận tiền dàn xếp, nhưng chính quyền không thể kiểm soát nổi vì đó là chuyện nội bộ của các nhà thầu.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho hay tình trạng lộn xộn rơi vào các gói thầu nhỏ ở xã. Thiếu năng lực nên gần như địa phương khoán trắng cho đơn vị tư vấn mời thầu đánh giá tư vấn, hồ sơ dự thầu dẫn đến thông thầu là điều đã xảy ra.
Siết chặt quản lý
Sau những vụ bắt bớ, tạm giam các cán bộ sai phạm về đấu thầu đã buộc các địa phương soi xét lại công việc quản lý. Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để chấn chỉnh, siết chặt quản lý, tiết kiệm được ngân sách nhưng vẫn lựa chọn được những nhà thầu năng lực thi công chất lượng công trình hay “an toàn” là chọn nhà thầu bỏ giá rẻ, nhưng gánh rắc rối về ì ạch tiến độ giải ngân?
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam, các địa phương chỉ nên bố trí cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác đấu thầu tham gia hoạt động đấu thầu. Thành lập các tổ thẩm định, kiểm tra, giám sát kỹ đánh giá hồ sơ mời thầu, kết quả chọn thầu.
Nếu các cơ quan, đơn vị nào không đảm bảo bố trí đủ cán bộ năng lực thì không nên nhận làm chủ đầu tư và bên mời thầu, hoặc cơ quan có thẩm quyền kiên quyết không giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, việc lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải theo đúng quy định pháp luật, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu. Sẽ phải đăng tải đầy đủ nội dung thông báo, thông tin về gói thầu...
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, cần kiểm soát chặt việc đấu thầu “liều mạng” khi bỏ giá quá thấp để nhận thi công, nhưng rồi bỏ dở hoặc điều chỉnh các hạng mục, thay đổi thiết kế. Bắt buộc phải có một trang thông tin về hoạt động đầu tư tại Quảng Nam để liên thông, tránh tình trạng các địa phương “mù tịt” về doanh nghiệp dự thầu.
Đấu thầu sẽ được siết chặt. Các địa phương được lệnh phải thành lập tổ công tác thẩm định, thường xuyên, kiểm tra, giám sát, không thể khoán trắng cho các đơn vị tư vấn mời thầu.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, không chỉ xử lý hình sự để chấn chỉnh, răn đe, phải có những người đủ năng lực chuyên môn thẩm định. Các thông tin về đấu thầu sẽ được chia sẻ đến các địa phương thông qua dữ liệu về đơn vị dự thầu, trúng thầu trên một trang website của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Tiết kiệm ngân sách thông qua đấu thầu hợp lý, nhưng quan trọng hơn vẫn là chọn được nhà thầu chất lượng.
Ông Quang nói, tiết kiệm ngân sách rất cần, nhưng quan trọng hơn nhất vẫn là lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tổ chức thi công, đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ giải ngân. Bỏ thầu giá rẻ chỉ là một tiêu chí.
Một khi chọn nhà thầu yếu năng lực, tài chính không mạnh, không thi công đúng tiến độ cam kết dẫn đến xử lý, chấm dứt hợp đồng sẽ làm giảm hiệu quả tác động xã hội và kinh tế. Không khéo lựa chọn giá rẻ mà thành giá cao. Sẽ có kiểm toán về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chấm dứt tình trạng nhà thầu thắng thầu nhưng thiếu năng lực.