Đầu tư cổ phiếu nào khi rủi ro an ninh lương thực toàn cầu tăng?
Diễn biến thời tiết cực đoan, chiến sự kéo dài tại Ukraine đang tạo sức ép lớn lên an ninh lương thực toàn cầu, thiết lập giá gạo ở nền đỉnh mới. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thực phẩm sẽ là cơ hội đầu tư sinh lời tốt.
Hưởng lợi từ xu hướng thắt chặt nguồn cung lúa gạo
Theo Báo cáo ngành Lương thực 2023 của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện vào tháng 6/2023, có thể kéo dài đến năm 2024 và gây tác động lên sản lượng canh tác trên quy mô toàn cầu. Trong đó, lúa gạo là nhóm cây trồng nhạy cảm với hiện tượng này nhất.
Dưới ảnh hưởng của El-Nino, Fitch Solutions dự báo sản lượng niên vụ 2022-2023 sẽ thiếu hụt khoảng 8,7 triệu tấn, đánh dấu mức suy giảm mạnh nhất kể từ niên vụ 2003-2004 (18,6 triệu tấn).
Qua đó, sức ép cung lương thực sẽ trở nên rõ nét hơn vào nửa sau 2023 trên các cơ sở chiến sự kéo dài tại Ukraine tác động lên nguồn cung lúa mì, nhu cầu cho gạo sẽ gia tăng như sản phẩm thay thế.
Ngoài ra, thời tiết bất lợi tại Trung Quốc và Pakistan (chiếm 7,6% thị phần xuất khẩu toàn cầu) làm thu hẹp diện tích canh tác và sản lượng xuất khẩu và các lệnh cấm và áp hạn ngạch đối với xuất khẩu gạo tại Ấn Độ hiệu lực từ tháng 9/2022 cũng sẽ gây thiếu hụt nguồn cung thay thế.
Diễn biến thiếu hụt nguồn cung trên thị trường tự do đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Bởi nước ta có trữ lượng lúa gạo tượng đối lớn khi bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân, mặc dù sản lượng sản xuất gạo Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây.
Nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục được đẩy lên nền giá mới. So sánh với các thị trường sản xuất lớn khác, giá gạo Việt Nam có diễn biến tượng đồng với mặt bằng chung, trung bình tăng 14,8% kể từ đầu năm và 20% so với cùng kỳ năm trước. Với sản lượng sản xuất lớn với tỷ giá duy trì ổn định sẽ đem đến lợi thế so với các thị trường xuất khẩu khác.
Đi cùng với nhu cầu nhập khẩu gia tăng mạnh, giá trị xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm ghi nhận mức tăng đột biến. Xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ghi nhận sự bứt tốc mạnh với sản lượng đạt 4,27 triệu tấn (+22,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và tổng giá trị vươn lên 2,3 tỷ USD (+34,7% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt mức tăng trưởng nửa năm cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.
Việt Nam đang sở hữu trữ lượng tồn kho lúa gạo lớn và dự kiến sẽ gia tăng thêm từ vụ Hè Thu. Tính đến đầu tháng 6, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mới thu hoạch khoảng 81,8 nghìn ha, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Qua đó, sản lượng lúa gạo thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ Hè Thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 7 và tháng 8.
Mảng xuất khẩu gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu của các đối tác quốc tế. Đặc biệt từ các nước ghi nhận mức nhập khẩu tăng đột biến trong 2023 của Phillipines và Trung Quốc.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu trong ngành
Về tình hình hoạt động các doanh nghiệp trong ngành, diễn biến giá gạo có tác động tích cực tới chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp ngành Gạo trong xu hướng dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, diễn biến hoạt động kinh doanh hàng quý vẫn chịu tác động lớn theo chu kỳ mùa vụ, trữ lượng hàng tồn kho và các yếu tố khác như trích lập dự phòng.
Trong khi đó, lãi suất cao đang bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành Gạo. Điều này được phản ánh rõ nét từ chi phí lãi vay gia tăng trong kết quả kinh doanh quý I/2023 do lãi suất neo ở mức cao.
Có thể kể đến, tác động của lãi vay thể hiện tương đối rõ nét đối với 2 doanh nghiệp là CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) và CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) với mức đòn bẩy nợ trên vốn chủ đạt lần lượt 1,20 và 2,07 lần.
Với việc giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh khi nguồn cung ngày càng thắt chặt trong thời gian tới, các doanh nghiệp sở hữu lượng tồn kho thành phẩm lớn có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá vốn và sản lượng bán gia tăng.
Theo khuyến nghị của TPS, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tham gia vào nhiều mảng trong chuỗi giá trị của ngành như CTCP Tập đoàn Pan (PAN) và CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) sẽ có nhiều cơ hội.
Về yếu tố định giá, kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý I/2023 đã đẩy mức P/E trượt của LTG và TAR lên tương đối cao so với mức trung vị 5 năm. Ở hướng ngược lại, PAN và NSC hiện đang giao dịch ở vùng chiết khấu so với mặt bằng định giá lịch sử. Theo đó, TPS kỳ vọng, khoảng cách về định giá sẽ được thu hẹp về mức ngang bằng trong thời gian tới trong bối cảnh ngành đang có những chuyển biến tích cực trong một xu hướng dài hạn.
Cổ phiếu PAN đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13,31 lần và P/B khoảng 0,98 lần, thấp hơn lần lượt 1,5 độ lệch chuẩn và 1 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân lịch sử P/E 17,89 lần và P/B khoảng 1,35 lần. TPS kết hợp 2 phương pháp so sánh PE và PB để đưa ra giá mục tiêu của PAN là 26.200 đồng/cổ phiếu, tượng đương với mức sinh lợi kì vọng 20,7% so với giá đóng cửa vào ngày 21/07/2023.