Đầu tư công nghệ tăng giá trị nông sản
(Tài chính) Năm 2014, nông sản nước ta nhận được nhiều tin vui, nhất là một số loại được chấp thuận nhập khẩu vào những thị trường khó tính. Nhưng do mới chỉ dừng ở xuất thô, chưa áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu... nên nông sản Việt chưa thể cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của một số quốc gia lân cận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết, trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,31% và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD. Trong đó, nhiều nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như: đồ gỗ, cà phê, tiêu, điều và các loại rau quả. Không chỉ vậy, năng suất và sản lượng canh tác nông sản của nước ta hiện cũng tiến bộ so với giai đoạn trước.
Mỗi năm sản lượng lúa đều tăng thêm 1 triệu tấn, một hécta nuôi cá tra sau 7 tháng cho thu hoạch 500 tấn, cà chua có thể đạt năng suất 200 tấn/năm, hay thanh long chỉ khoảng 30.000ha giúp xuất khẩu được 500.000 tấn. Những con số trên chưa phải là giới hạn sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, năng suất và sản lượng nông sản vẫn có thể được nâng cao nếu như có thêm thị trường tiêu thụ.
Người tiêu dùng nước ngoài chọn mua hàng hóa có thương hiệu, bao bì với đầy đủ thông tin, họ sẽ ngần ngại mua thanh long Việt Nam khi bày bán theo phương thức đổ đống. Không chỉ là nông sản xuất khẩu thô, mà ngay cả một sản phẩm đã được tinh chế và có thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, hiện cũng chưa được tiêu thụ nhiều ở thị trường nước ngoài. Nguyên nhân cũng do bao bì không đủ thông tin, dung tích quá lớn so với nhu cầu sử dụng của người mua ở các quốc gia này.
Có thể thấy, xuất khẩu nông sản không chỉ là động lực để nâng năng suất và sản lượng canh tác ở trong nước, mà còn giúp tăng giá trị cho mặt hàng này, cũng như thu nhập của nông dân. Bởi như một Việt kiều Canada cho biết, tại siêu thị ở quốc gia này, giá một quả xoài là 30 dollar Canada, một nải chuối sứ là 40 dollar Canada... cao hơn nhiều lần so với giá bán tại nước ta. Đây cũng không phải điều mới được ngành nông nghiệp ý thức, trong những năm qua, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều cố gắng để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đã chú trọng thâm nhập vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu vẫn là những trở ngại cho nông sản Việt xâm nhập thị trường quốc tế.
Bên cạnh những cản trở nêu trên, theo một số Việt kiều, nông sản nước ta khó thâm nhập vào các thị trường nước ngoài còn do chưa chú trọng khâu bảo quản sản phẩm. Vì lý do này nên dù Việt Nam có nhiều loại nông sản nhiệt đới được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng, với giá bán có khả năng cạnh tranh cao, song vẫn mất thị trường bởi sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia...
Một Việt kiều ở Liên bang Nga phản ánh, thanh long loại 1 của nước ta để có thể giữ cạnh tranh về giá bán (giữ giá 1USD/kg), thì phải vận chuyển bằng đường biển, vì cước vận chuyển hàng không quá cao. Song do thời gian vận chuyển kéo dài (2 tháng) nên chỉ có thể bán được trong thời gian ngắn, mẫu mã, chất lượng khi qua thị trường xuất khẩu cũng giảm.
Để giải quyết nghịch lý là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng nông sản Việt vẫn xuất hiện thưa thớt tại các siêu thị nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyển từ các hợp đồng mua đứt bán đoạn sang đầu tư từ nuôi trồng, sản xuất chế biến đến tiêu thụ và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro trong một chuỗi giá trị.
Các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn viện nghiên cứu, trường đại học, hay có chính sách để khuyến khích người dân sáng tạo các công nghệ bảo quản, chế biến sâu... giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Đầu tư vào công nghệ không chỉ giúp tăng giá trị nông sản hay tăng thu nhập cho nông dân, mà còn giúp doanh nghiệp thu lợi cao hơn, dứt bỏ lối làm ăn chụp giật để vươn lên kinh doanh quy mô lớn.