Đầu tư công và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế


Việc thực hiện đầu tư công trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển và lan tỏa trong toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp, giải ngân vốn đầu tư công chậm, dẫn đến việc chậm đưa công trình vào sử dụng, qua đó ảnh hưởng đến tác động lan tỏa của đầu tư công.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi đây điều kiện cần để kịp thời tận dụng các cơ hội, tạo tiền đềphát triển kinh tế, chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới.

Tình hình thực hiện và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế

Đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch. Giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả đầu tư công. Kế hoạch đã xác định tổng mức vốn đầu tư công là 2 triệu tỷ (trong đó 1,12 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 880 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương).

Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành và địa phương đạt 1.815.556 tỷ đồng, bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua cho 11.000 dự án (giảm 1 nửa so với giai đoạn 2011-2015).

Trong đó, số dự án hoàn thành là 7.354 dự án, bằng 66,2% tổng số dự án (Số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 hoàn thành trong giai đoạn 2016- 2020 là 4.547 dự án, dự án khởi công mới hoàn thành ngay trong giai đoạn 2016-2020 là 2.807 dự án), khởi công mới 4.208 dự án.

Đầu tư công và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế  - Ảnh 1

Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian qua đã được tập trung đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình thiết yếu của nền kinh tế, các công trình giao thông then chốt như: đường bộ, sân bay, bến cảng, đường sắt; nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi; tập trung xây dựng các công trình điện, thông tin liên lạc; cải tạo và xây dựng mới kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các  bệnh viện, trường học, công trình văn hóa; đầu tư nhiều cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Điều đó đã tạo điều kiện phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời góp phần cải thiện, nâng cao mức sống của nhân dân.

Về phân bổ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các vùng, vốn đầu tư NSNN đã được ưu tiên cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung; Ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng, cấp bách, liên kết vùng, có tính chất lan tỏa, tạo động lực thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư công và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế  - Ảnh 2

Việc thực hiện hiệu quả đầu tư công thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả, tạo tác động tích cực, lan tỏa trong nền kinh tế. Cụ thể:

Một là, hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đươc cải thiện. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần; ICOR giai đoạn 2016-2019 (Không bao gồm năm 2020 là năm đặc biệt, do tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng GDP giảm mạnh và chỉ số ICOR không phản ánh đầy đủ hiệu quả đầu tư) là 6,1 thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32-34%) và cao hơn giai đoạn 2011-2015 (31,7% GDP).

Hai là, đầu tư công tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư. Cơ cấu vốn đầu tư trong tổng đầu tư toàn xã hội dịch chuyển tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước (từ mức trung bình 39,04% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 34,34% giai đoạn 2016-2020), tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước, từ mức 38,26% giai đoạn 2011-2015 lên 42,7% giai đoạn 2016-2020. Điều này kéo theo sự dịch chuyển tích cực trong cơ cấu kinh tế theo hướng khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn, cụ thể, trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt 6,14% nhưng đến giai đoạn 2016-2019 tăng lên mức trung bình 6,7% và cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP… Đồng thời, cơ cấu huy động vốn đầu tư dịch chuyển tích cực, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật.

Đầu tư công và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế  - Ảnh 3

Ba là, việc tăng cường các biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã mang lại kết tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó năm 2016 đạt 88,27%; 2017 đạt 81,69%; 2018 đạt 71,69%; 2019 đạt 78,68%; riêng năm 2020 tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất trên 97,46%. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn 2016-2020, giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, cao hơn giai đoạn trước 1,42 đồng, điều này cho thấy sự cải thiện trong mức độ lan tỏa của đầu tư công.

Bốn là, nguồn vốn đầu tư công được tập trung phát triển hệ thống kế cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, qua đó góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó:

- Cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia: Một số công trình, dự án giao thông quan trọng đã được đưa vào sửdụng từ đầu giai đoạn 2016-2020 như: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Một số công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 như: Các đường bộ cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; Các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2); Các hầm: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, Cổ Mã; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu. Đầu tư phát triển hạ tầng được đẩy mạnh thông qua phương thức đối tác công-tư. Một số dự án quan trọng đã hoàn thành, như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...

Đầu tư công và tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế  - Ảnh 4

Bên cạnh đó, nhiều đoạn của cao tốc Bắc-Nam đã được khởi công và đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt trên 24 nghìn km; Nâng cao an toàn, cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian chạy tàu đối với ngành Đường sắt; Nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Vận tải biển đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế với khả năng đảm nhận khoảng 80%-90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Ngành hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%-18%/năm. Hệ thống giao thông địa phương được quan tâm đầu tư, quản lý.

- Nhiều nhà máy, dự án như: Nhà máy Foxconn (Bắc Giang), dự án Samsung mở rộng (Bắc Ninh, Thái Nguyên), nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, nhà máy chế biến nông sản Lavifood (Tây Ninh)... có công nghệ hiện đại đã được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá; Hạ tầng thuỷ lợi đồng bộ theo hướng đa mục tiêu; Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng năng lực tưới tiêu, tạo nguồn cấp nước và tiêu thuỷ, ngăn mặn...

- Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư tăng thêm, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành như: Mông Dương 1 công suất 1.000 MW (năm 2016), Duyên Hải 1 công suất 1.200 MW (năm 2016), Duyên Hải 3 công suất 1.200 MW (năm 2017), Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW (năm 2017). Đồng thời, đưa điện lưới ra các đảo: Phú Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cô Tô, Vân Đồn... Hạ tầng năng lượng được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đãtriển khai các công nghệ lưới điện thông minh, thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng.

Hệ thống lưới điện được triển khai đầu tư, nâng cấp hàng năm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đấu nối truyền tải công suất các nguồn điện và nâng cao năng lực cung cấp điện của toàn hệ thống. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng, góp phần quan trọng việc thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn.

- Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển khá hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành siêu xa lộ thông tin (Cáp quang hoá đến cấp xã, thôn, bản với trên 1 triệu km, phủ sóng thông tin di động đến 98% người dân với công nghệ hiện đại, thuộc nhóm các quốc gia thử nghiệm thành công sớm công nghệ 5G); Xây dựng các nền tảng cần thiết để phát triển kinh tế số; Từng bước xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn; ứng dụng công nghệthông tin trong cơ quan quản lýnhànước ngày càng được hoàn thiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Hạ tầng bưu chính chuyển dịch nhanh chóng, chuyển dần từ các dịch vụ bưu chính truyền thống sang tham gia phát triển dịch vụ chuyển phát hàng cho thương mại điện tử và hỗ trợ các dịch vụ công. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch... được quan tâm đầu tư.

Bốn là, đầu tư công thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, qua đó thúc đẩy chuyển dịch đất đai, phát triển thị trường bất động sản và đến lượt mình, chuyển dịch đất đai thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu Đề tài Nhà nước: “Nghiên cứu hoàn thiện công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam” (Trần Kim Chung, 2020) cho thấy:

- Tác động lan tỏa của đầu tư đến thị trường bất động sản và đóng góp vào GDP: Muốn tăng 1% giá trị gia tăng, ngành Bất động sản cần tăng giải ngân 4,53% vốn đầu tư, đồng thời để tăng 1 đồng giá trị gia tăng ngành Bất động sản cần tăng 1,86 đồng vốn đầu tư. Đóng góp của giá trị gia tăng ngành Bất động sản vào tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế là 0,6 điểm%.

Trên thực tế, đối với thị trường bất động sản, câu chuyện giải ngân đầu tư công được xem là yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua và tới đây. Giải ngân đầu tư công mang lại tác động tích cực, trong đó có cả tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. Tác động trực tiếp là khi một hạ tầng lớn chuyển động, đồng nghĩa khu vực bất động sản ở đó sẽ có cơ hội tăng giá và tạo sóng. Cơ hội gián tiếp là khi đầu tư công được giải ngân thì toàn nền kinh tế được kích cầu, từ đó dòng tiền chuyển động mạnh và sẽ có những nguồn tiền nhất định (từ chứng khoán, từ vàng, từ dòng vốn ngoại…) đổ vào thị trường bất động sản”.

- Tác động của đầu tư công đến ngành Xây dựng và tăng trưởng GDP: Đóng góp của giá trị gia tăng ngành Xây dựng vào tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế là 0,9 điểm %. Để tăng 1% giá trị gia tăng ngành Xây dựng cần 2,25% vốn đầu tư, muốn tăng 1 đồng giá trị gia tăng, thì ngành Xây dựng cần 0,76 đồng vốn đầu tư.

- Tác động của đầu tư công đến phát triển đô thị và có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế: Để tăng 1% GDP cần phát triển đất ở đô thị thêm 1,21%. Có thể nói, đô thị hóa Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Do đó, một lượng vốn đầu tư lớn (trong đó có đầu tư công) đã vận hành vào công cuộc đô thị hóa, góp phần tác động lớn đến chuyển dịch đất đai hướng tới đô thị hóa.

Năm là, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng, có tác động lan tỏa tích cực đến các sự phát triển của các ngành, các doanh nghiệp. Những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công có thể kể tới là bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, thi công công trình, logistics và cảng biển sau khi hạ tầng hoàn thiện. Nhóm ngân hàng cũng hưởng lợi gián tiếp khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân trong lĩnh vực này.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản lý đầu tư công giai đoạn vừa qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tác động lan tỏa của đầu tư công trong nền kinh tế, các hạn chế cụ thể gồm:

Thứ nhất, việc giải ngân vốn đầu tư và hoàn thành các dự án đầu tư công nhanh chóng là yếu tố quan trọng, có tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Hiện nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn chậm và gặp nhiều vướng mắc… Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân như: Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành, có nơi còn mang tính hình thức, chủ quan, chưa gắn với thực tiễn và quy định pháp luật; Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn sai sót như: áp dụng định mức, đơn giá không đúng quy định....; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu còn sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu… Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mất thời gian làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án.

Thứ hai, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số dự án quan trọng quốc gia như đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai chậm.

Thứ ba, chưa khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Cơ chế thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, một số công trình phải điều chỉnh phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư công, tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế

Kế hoạch giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội nâng lên mức 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn 2016-2020. Để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tạo ra những tác động lan tỏa tích cực trong nền kinh tế, những giải pháp cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới gồm:

Một là, nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả; giải quyết triệt để những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc, chồng chéo trong các khâu của quy trình quản lý đầu tư công. Tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xác định thứ tự ưu tiên, cách thức thẩm định, tiêu chí đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công theo các thứ tự ưu tiên và mức độ hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường.

Hai là, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún, phải đúng, trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, chương trình, dự án, tập trung nguồn lực cao độ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ưu tiên tập trung đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia tạo sự lan tỏa, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự án liên kết các vùng, nội vùng và liên kết các địa phương.

Ba là, đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là vốn mồi để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phát huy vai trò của đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Bốn là, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để phục vụ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư theo hướng giảm các hoạt động tiền kiểm và tăng cường công tác hậu kiểm; Tăng cường theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư một cách công khai, minh bạch và có tính khả thi.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Báo cáo số 241/BC-CP ngày 16/7/2021 về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021 -2025;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo số 3349/BC-BKHĐT ngày 02/6/2021 đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo số 6431/BC-BKHĐT ngày 23/9/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;

4. Tổng cục Thống kê, Đầu tư công, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/10/dau-tu-cong-dong-luc-tang-truong-kinh-te-nam-2020/;

5. Trần Kim Chung, Đề tài Nhà nước: “Nghiên cứu hoàn thiện công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam, 2020.

(*) PGS., TS. Trần Kim Chung, ThS. Nguyễn Văn Tùng.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.