Đầu tư ERP Quản lý công ty theo chuẩn quốc tế
ERP (Enterprise Resource Planning) - giải pháp quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (DN) giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn rào cản nhất định, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp lớn bạo chi
Đầu tháng 8, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) khởi động hệ thống SAP ERP với tổng kinh phí 46 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi hoàn thành, Vinasoy sẽ có hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp tối đa hóa trao đổi thông tin,cải tiến sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí, cải thiện sự tương tác với khách hàng và nhà cung cấp, duy trì lợi thế cạnh tranh, từng bước nâng cao vị thế của Công ty.
Ngày 20/9, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng đã khởi động hệ thống SAP S4Hana ERP với 13 phân hệ, áp dụng cho trụ sở Công ty tại Bình Dương. Chia sẻ lý do triển khai ERP, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Phó tổng giám đốc Trường Thành cho biết, thành công của Công ty trong thời gian qua một phần nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Chúng tôi xác định phải ứng dụng công nghệ số để đáp ứng nhu cầu quản trị nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng tầm quản trị và tăng khả năng cạnh tranh.
Trước Vinasoy và Trường Thành, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty CP Gỗ An Cường đã đưa vào sử dụng hệ thống ERP. Là DN gỗ vừa bán sỉ, vừa bán lẻ lại thêm bán hàng nội thất cho các công trình nên việc kết nối dữ liệu từ sản xuất, bán hàng, giao hàng, xuất hóa đơn và kiểm soát, đối chiếu công nợ với khách hàng của An Cường rất phức tạp.
Với hệ thống cũ, An Cường mất nhiều nhân lực để nhập liệu và đối chiếu số liệu, phải mất một tháng để hoàn thành quyết toán tháng, ra báo cáo tài chính. Sử dụng SAP ERP đã giúp An Cường giảm được một nửa thời gian quyết toán, và kiểm soát được đầu vào, đầu ra của quy trình sản xuất, bán hàng, công nợ chi tiết đến từng hợp đồng, từng khách hàng.
Ông Lê Đức Nghĩa - Tổng giám đốc An Cường cho biết: "Từ đầu năm nay, hệ thống SAP ERP giúp tôi và các cấp quản lý có được thông tin chính xác và đầy đủ hơn về các dữ liệu quan trọng của Công ty như thông tin hợp đồng, sản phẩm, cộng nợ, số liệu kế toán. Hệ thống quản trị mới này trở thành công cụ đắc lực của ban lãnh đạo trong việc điều hành Công ty".
Công ty CP Nhựa Bình Minh đã đưa vào sử dụng ERP Oracle E-Business Suite từ tháng 7 năm nay. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, với mong muốn phát triển bền vững, những năm qua, Công ty không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng ERP, tạo tiền đề cho việc ứng dụng nhiều phần mềm khác của hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực DN.
Vẫn còn rào cản
Chia sẻ tại tọa đàm về ERP hồi cuối năm 2016, Tổng giám đốc SAP ERP Việt Nam dự báo, số lượng DN Việt Nam ứng dụng ERP sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017 và gấp ba vào năm 2020. Còn hiện tại, theo số liệu của FPT IS - một trong những nhà cung cấp phần mềm ERP tại Việt Nam, đã có nhiều DN, tổ chức vận hành hệ thống này. Trong đó, các tập đoàn lớn như Petrolimex, Trung Nguyên, Vingroup, Fecon đã dành nguồn ngân sách hàng triệu USD cho ERP.
Mặc dù xu hướng đầu tư ERP tăng cao nhưng việc triển khai hệ thống quản trị hiện đại này vẫn gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là việc chọn nhà cung ứng dịch vụ và triển khai thực hiện. Để đầu tư hệ thống ERP, Vinasoy đã mất hơn hai năm nghiên cứu đánh giá và lựa chọn đơn vị triển khai.
Qua đánh giá các nhà cung cấp lớn trong và ngoài nước, tham quan thực tế các khách hàng đã triển khai thành công và đang sử dụng sản phẩm SAP ERP tại Việt Nam, Vinasoy đã chọn Công ty FPTIS làm đối tác tư vấn triển khai giai đoạn 1. Cũng như thế, An Cường đã mất nhiều thời gian cho việc chọn đối tác thực hiện. Việc triển khai ERP của An Cường đúng tiến độ là nhờ sự quyết tâm của ban lãnh đạo, đội ngũ nhân sự trẻ năng động, kinh nghiệm của nhà thầu công nghệ trong việc đưa ra giải pháp phù hợp.
Chia sẻ thực tế việc thực hiện ERP tại DN, ông Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, có rất nhiều trở ngại khi triển khai hệ thống quản trị này. Trong đó, phải đầu tư đường truyền tốc độ cao, kinh phí lớn. Năm 2012 - 2015, Nhựa Bình Minh đã từng triển khai hệ thống quản trị này từ một DN khác nhưng không thành công.
"Suốt ba năm trời triển khai tốn nhiều tài lực, trí lực, tâm lực nhưng không có kết quả khiến chúng tôi mất tinh thần. Năm 2016, sau khi làm việc với FPT IS và mất hơn một năm để cấu trúc, xem xét lại toàn bộ công việc đã thực hiện, chuẩn hóa lại quy trình, hiện tại, đã hợp nhất thông tin của bốn địa điểm của công ty"- ông Nguyễn Hoàng Ngân cho biết.
Theo các chuyên gia ERP, để triển khai thành công hệ thống ERP đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm làm việc của nhà cung cấp giải pháp cũng như mức độ sẵn sàng của DN. Thời gian triển khai và hoàn thiện dự án thường kéo dài đến vài năm khiến DN dễ nản lòng. Hơn nữa, với mức phí từ vài chục ngàn đến hàng triệu USD, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng.