Đầu tư nâng cao năng suất lao động
Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của cả nền kinh tế. Do đó, cần thúc đẩy tăng năng suất lao động, trong đó đầu tư cho khoa học và công nghệ là điểm mấu chốt.
Thời gian qua, vấn đề năng suất lao động được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm vì đây là yếu tố tác động tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ góc độ của ngành Khoa học & Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động của DN thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đổi mới và ứng dụng công nghệ; Hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng của các ngành kinh tế.
Thông qua ứng dụng và làm chủ công nghệ, trình độ và kỹ năng của người lao động đã được nâng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam, những DN có năng lực công nghệ, thiết bị được đánh giá cao so với mức trung bình của Việt Nam có mức năng suất lao động cao hơn 1,66 lần. Đối với 18,9% DN tự đánh giá có năng lực công nghệ, thiết bị cao so với trung bình của thế giới, mức năng suất lao động cao hơn 1,83 lần.
Trước vấn đề này, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, yêu cầu thúc đẩy cải tiến năng suất, chất lượng được ngành Công Thương thực hiện thông qua đẩy mạnh ứng dụng Khoa học & Công nghệ trong các ngành sản xuất và hỗ trợ DN nâng cao trình độ quản lý bằng việc áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến. Đồng thời, ngành đã có nhiều chủ trương, quyết sách cũng như giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng của GDP.
Với những nỗ lực của các bộ, ngành, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Ông Trần Việt Hòa khẳng định, năng suất lao động của Việt Nam tăng gấp ba lần trong 17 năm từ 2000 - 2017 và khoảng cách với các nước Đông Nam Á đã được thu hẹp dần. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017, năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động), tăng 5,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Từ góc độ của DN, ông Đào Tiến Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần May Nam Hà - chia sẻ, từ năm 2010, công ty đã tổ chức đào tạo về phương thức sản xuất tinh gọn (Lean) cho đội ngũ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp cao. Những năm tiếp theo, công ty tiếp tục triển khai áp dụng phương pháp quản lý 5S, Kaizen. Kết quả, sau 8 năm, năng suất lao động của công ty đã tăng 15%. Thu nhập của người lao động năm 2017 đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 4 lần so với năm 2009.
Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, năng suất lao động là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của DN và nền kinh tế.
Ông Đào Tiến Dũng cho rằng, các DN Việt Nam đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động, tuy nhiên thường gặp khó khăn về vốn. Do đó, cần tăng cường hơn các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN, tạo động lực để DN khẩn trương nâng cao năng suất lao động.
Ông Trần Việt Hòa cho hay, để nâng cao năng suất lao động, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN công nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại như đào tạo chuyên sâu, triển khai các mô hình thí điểm… Bên cạnh đó, từng bước nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng Khoa học & Công nghệ, tỷ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao; Có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.