Nguồn nhân lực: Yếu tố tiên quyết để cải thiện năng suất
Theo Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020: Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong 3 khâu đột phá để có được một Việt Nam có khả năng cạnh tranh hơn, có đội ngũ nhân lực chất lượng hơn, năng suất lao động tốt hơn; Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%...
Những chiến lược và những con số mục tiêu đặt ra đó đã thể hiện khát vọng vì Việt Nam thịnh vượng và để cho chính cuộc sống, thu nhập của người lao động được nâng lên và qua đó thúc đẩy nền kinh tế thêm thịnh vượng.
Khát vọng là vậy và dù đã có những nỗ lực thời gian qua trong triển khai khâu đột phá này, nhưng theo đánh giá của WB, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đâu đó chỉ bằng khoảng 1/5 so với Malaysia và 2/5 Thái Lan và 1/15 lao động Singapore.
Trong khi ở tầm vĩ mô, việc cải tiến, đổi mới hoạt động và phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết đặt ra để có thể cải thiện năng suất lao động thì ở tầm vi mô “việc áp dụng các tiêu chuẩn để cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động là rất quan trọng đối với các DN Việt Nam”, ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu.
Nhưng làm được điều này với DN không dễ và đây là bài toán khó với DN bởi phần lớn DN hiện đang phải đối mặt với những hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ và con người.
“Hầu hết các công ty Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với việc thiếu trầm trọng các kỹ năng tư vấn thực hành và đội ngũ nhân lực có thể giúp cải thiện hoạt động kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và chế độ phúc lợi cho người lao động”, ông Nguyễn Văn Tuấn - CEO của công ty TNHH Bình Minh TMC cho biết. Nhưng may mắn, Bình Minh TMC đã được tham gia Dự án “Hỗ trợ Đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động” (Dự án WISE) cùng các DN khác.
“Dự án đã cải thiện một cách rõ rệt đội ngũ nhân lực của công ty cả về chất lẫn lượng, đồng thời tăng cường khả năng tư duy của đội ngũ lao động trong quá trình sản xuất. Điều này đã đem lại 10% tăng doanh thu của công ty và năng suất lao động cũng tăng khoảng 10% so với trước khi tham gia dự án”, ông Tuấn chia sẻ tại Hội thảo “Cải thiện các chỉ số năng suất thông qua cải tiến, đổi mới hoạt động và phát triển nguồn nhân lực”.
Hội thảo do JICA phối hợp với Viện Năng suất Quốc gia Việt Nam (VNPI) và Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) tổ chức ngày 15/3/2018. Đây là hội thảo cuối kỳ của dự án WISE.
Bà Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS chia sẻ: “Là DN trẻ nên chúng tôi xác định phải chạy hết tốc lực thì mới mong đuổi kịp các DN đã có bề dày và thế mạnh vững trên thị trường. Và rất may cho chúng tôi khi đã may mắn được lựa chọn tham gia Dự án WISE mà những kết quả mang lại trong việc tăng năng suất, cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên là rất đáng ghi nhận”.
Nhớ lại thời gian đầu vì mới thành lập (2013), Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS, đang tập trung vào việc phát triển mở rộng thị trường nên DN chưa quan tâm nhiều đến năng suất lao động. Biểu hiện như thời gian chất xếp hàng mất nhiều thời gian, bố trí nhà xưởng, hàng hóa, máy móc chưa khoa học…
Với hỗ trợ của dự án, mức độ hài lòng của nhân viên tăng lên và DN có và kết quả đều có những chuyển biến rất tích cực, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể.
Trường hợp Công ty TNHH Minh Hòa lại là một câu chuyện khác. Là một DN lớn thành lập từ năm 1993, mục đích đặt ra của DN này khi tham gia Dự án WISE là làm sao cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ để nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên và tăng hiệu quả sản xuất.
Áp dụng những phương pháp như dự án đưa ra, theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Cư, Giám đốc công ty, những hoạt động mà DN thực hiện đã giúp nâng cao nhận thức của người lao động về các chế độ chính sách của công ty, đồng thời giúp công ty cũng thu nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cải tiến hay phản hồi của người lao động, qua đó giúp ban lãnh đạo có những hành động để cải tiến kịp thời. Năng suất lao động cũng được nâng lên khi ngày càng có nhiều sáng kiến cải tiến hơn và tỷ lệ sản phẩm bị lỗi được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Và còn nhiều hơn nữa những câu chuyện cải thiện sự hài lòng của người lao động và năng suất lao động. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, các đại diện DN cho biết năm 2018 này tiếp tục được xác định là năm trọng tâm để tiếp tục cải thiện các nội dung này. Đó có thể xem là một tín hiệu đáng mừng. “WISE” được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến rộng rãi và chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo - những người có khả năng xây dựng và hiện thực hóa mô hình trên, sẽ được phát triển và nhân rộng hơn nữa.
Dự án đã hỗ trợ xây dựng các tiêu chí để khảo sát người lao động cũng như các phương pháp thực hiện và bộ công cụ triển khai nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người lao động.
Dự án cũng đã đào tạo những chuyên gia nòng cốt với mong muốn họ có thể tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho công tác triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và năng suất tại Việt Nam.
"Tôi tin rằng, trong tương lai, các DN Việt Nam sẽ được tiếp nhận hỗ trợ và tư vấn với chất lượng cao từ chính các chuyên gia Việt Nam”, ông Kobayashi Ryutaro kỳ vọng.