Đầu tư ra nước ngoài: Bỏ giấy chứng nhận đầu tư, liệu có quản lý được không?
(Tài chính) Đó cũng là băn khoăn của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi đến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo 2 luật là Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi chiều ngày 13/3/2014.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, thủ tục đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài được đề nghị thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền quản lý ngoại hối.
Riêng với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, Dự thảo đề xuất thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, việc chuyển ra nước ngoài máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa và các tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải phù hợp với mục tiêu hoạt động đầu tư ra nước ngoài và tuân thủ quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu.
Theo hướng này, thủ tục đầu tư ra nước ngoài sẽ có thay đổi căn bản so với quy định hiện hành tại Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP.
Để giải tỏa sự băn khoăn của Phó Thủ tướng, ông Hùng lý giải thêm: “Sự thay đổi về thủ tục này không có nghĩa là quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài bị lơi lỏng, mà thực hiện đúng mục tiêu chất của việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư này là việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài, nhằm đảm bảo để doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp, phù hợp với lĩnh vực khuyến khích đầu tư”.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thực tế, Bộ đã tiến hành họp với các doanh nghiệp cũng như một số bộ, ngành về vấn đề này. Với việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, thì họ đã xin phép bộ chủ quan, cơ quan đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan này chịu trách nhiệm về việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này. Vì thế, việc cấp phép chỉ mang tính hình thức. Việc quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước nên chế tài trong Luật Quản lý vốn.
Chính vì thế, khi họp bàn về vấn đề này, thì các doanh nghiệp nhà nước gần như ngay lập tức đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Thực tế, như trường hợp của dự án đầu tư ra nước ngoài của Viettel, Bộ chỉ có 3 tiếng để ký giấy phép đầu tư, thì làm sao có thời gian thẩm định. Còn nếu không kịp thời gian, thì doanh nghiệp lại mất cơ hội làm ăn”, vị lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thêm.
Trước đó, trong một cuộc họp nội bộ về Luật Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ quan điểm về việc cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài.
“Tôi không muốn phải ký giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của một nhà đầu tư nào đấy mà không thể biết được họ mang tiền ra nước ngoài làm gì, ở đâu, có đúng như nội dung mà tôi đã ký không? Vấn đề phải đặt rõ là, thủ tục này có thực sự phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước không, có thể thay thể bằng cách khác hiệu quả hơn không?”, Bộ trưởng Vinh đặt vấn đề khi có ý kiến cho rằng, nếu không có giấy này, Ngân hàng Nhà nước sẽ không có căn cứ để làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.
Điều đáng lưu ý là thực tiễn các nước trên thế giới cũng không áp dụng, tại nước ta cũng không yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hơn thế, cấp giấy chứng nhận cũng tăng thêm gánh nặng về tài chính.
Hai nội dung quản lý khi đầu tư ra nước ngoài là nhân thân và tiền sạch lại thuộc quản lý của hai Bộ: Công an và Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, nếu cắt bỏ giấy phép đầu tư, thì vẫn quản lý được hoạt động đầu tư ra nước ngoài của khối tư nhân.
Vì vậy, quan điểm chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là, việc cắt bỏ giấy chứng nhận đầu tư sẽ thay đổi phương thức quản lý Nhà nước sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài (chứ không quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp) trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm nhà đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Góp ý vào nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sẽ phải làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước. Liệu một mình Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý tốt dòng tiền hay không? Vì đầu tư ra nước ngoài không chỉ liên quan đến vĩ mô, mà còn có thể liên quan đến cả hiện tượng rửa tiền, trong khi quản lý ngoại hối của nước ta vẫn còn nhiều kẽ hở.
“Chắc chắn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước sẽ phải khác với doanh nghiệp tư nhân. Có lẽ cần quy định điều kiện để đầu tư ra nước ngoài”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ nguyên hai phương án, trình Chính phủ xem xét, tìm ra phương án khả thi và hiệu quả nhất.