Đầu tư tiền ảo: Rủi ro nhiều hơn được lợi

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Tuần vừa qua tất cả các loại tiền ảo, đứng đầu là Bitcoin, đều giảm giá mạnh khiến thị trường tiền kỹ thuật số ngập trong sắc đỏ. Ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước không coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để đưa ra phương án quản lý phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rủi ro lớn khi đầu tư vào Bitcoin

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng tại Việt Nam thời gian qua?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực: Rõ ràng đã có khá nhiều người và nhà đầu tư quan tâm tới tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin. Tuy nhiên phải lưu ý rằng, đầu tư vào Bitcoin rất rủi ro vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất, tính pháp lý gần như không có. Loại tiền điện tử này không được phát hành bởi bất kỳ Chính phủ hay quốc gia nào, và cũng không có các tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh. Thứ hai là rủi ro về kỹ thuật, sàn giao dịch có thể bị “sập” bất cứ lúc nào khiến các nhà đầu tư khó kiểm soát. Rủi ro thứ ba là vấn đề mất cắp, gian lận, rửa tiền. Chính những nguyên nhân trên khiến giá của đồng Bitcoin biến động rất mạnh và giảm khá sâu thời gian qua, ngay sau khi nhiều nước tuyên bố không công nhận và đóng sàn giao dịch của loại đồng tiền điện tử này.

Thời điểm gần cuối năm 2017, những người đầu tư vào Bitcoin có thể có lời, nhưng nếu không cẩn thận sẽ bị lỗ bởi khả năng giá Bitcoin lên nhanh, mạnh hơn nữa trong thời điểm hiện tại rất khó xảy ra khi mà nhiều nước đang có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, việc “đào” Bitcoin ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn rất nhiều. Vậy nên đầu tư vào đồng tiền này không phải là phương án hợp lý.

Giá của Bitcoin phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa ông?

Giá Bitcoin phụ thuộc vào 3 yếu tố chính. Thứ nhất là quan hệ cung cầu, cung hạn chế và Bitcoin ngày càng khan hiếm sẽ làm cho giá trị của nó bị đẩy cao hơn. Thứ hai là tâm lý, khi có nhiều người thích và muốn sở hữu Bitcoin, đặc biệt có niềm tin với đồng tiền này, thì họ sẽ đầu tư vào nó. Càng nhiều người mua thì giá của Bitcoin càng lên mạnh hơn và ngược lại. Thứ ba, những rủi ro về pháp lý, kỹ thuật và đạo đức thời gian qua phát sinh quá nhiều cũng khiến cho loại tiền điện tử này trở nên khó kiểm soát và khó đạt được mức giá cao.

Chỉ nên coi Bitcoin là công cụ đầu cơ

Cách tiếp cận của mỗi nước với tiền ảo khác nhau, có nước chấp nhận, có nước đang nghiên cứu tìm hiểu, có nước chưa công nhận. Ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận của Việt Nam đối với tiền ảo trong thời gian qua?

Cuối năm 2017, Thủ tướng đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, trong đó có đồng tiền Bitcoin; yêu cầu Bộ Tư pháp làm đầu mối, nghiên cứu để có phương án quản lý tài sản ảo nói chung và tiền ảo nói riêng. Ngân hàng Nhà nước được giao sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử để trình Thủ tướng xem xét.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước công bố không công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán. Tôi rất ủng hộ quan điểm này vì rõ ràng Bitcoin không đáp ứng được nhu cầu của đồng tiền thanh toán. Tuy nhiên cần phải đẩy nhanh hơn tiến độ nghiên cứu để đưa ra phương án quản lý phù hợp. Trong trường hợp nếu coi Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số là một kênh đầu cơ thì cũng cần phải quản lý để nó không gây tác động quá nhiều đối với nền kinh tế - xã hội.

Liệu trong tương lai, tiền ảo hay Bitcoin có trở thành một công cụ thanh toán phổ biến hay không, thưa ông?

Quan điểm của tôi là không nên coi tiền kỹ thuật số nói chung và Bitcoin nói riêng là tiền tệ vì nó không đáp ứng được 3 yêu cầu, đặc điểm của tiền tệ, đó là chức năng thanh toán, dự trữ và lưu thông. Tuy nhiên có thể cân nhắc coi đây là một loại sản phẩm hay công cụ đầu cơ. Các loại tiền kỹ thuật số chỉ là công cụ đầu cơ chứ không phải tiền tệ, các nước hiện nay đều theo hướng như vậy. Và khi nó là công cụ đầu cơ thì phải hết sức cẩn trọng và phải có những khuyến cáo, truyền thông người dân tỉnh táo để thực sự là những nhà đầu tư thông thái.

Thực tế ngay cả Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhưng cũng không công nhận Bitcoin. Do đó, tôi nghĩ rằng không nên khuyến khích sử dụng đồng Bitcoin bởi rủi ro quá lớn, đặc biệt ở Việt Nam “tâm lý đám đông” nên sẽ gây ra tình trạng xáo trộn và rất nhiều hệ lụy đối với xã hội.

Xin cảm ơn ông!