Đầu tư trực tiếp nước ngoài của khu vực Đồng bằng sông Hồng 9 tháng năm 2024


Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 vào vùng Đồng bằng sông Hồng đăng ký đạt 11,87 tỷ USD với 843 số dự án cấp mới và 6,61 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số vốn đầu tư nước ngoài cao nhất với tổng vốn đăng ký đạt 11,87 tỷ USD với 843 số dự án cấp mới và 6,61 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới. Về vốn đăng ký điều chỉnh có 447 dự án tăng vốn và 4,29 tỷ  USD vốn đăng ký tăng thêm.

Trong 9 tháng vừa qua, có 327 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đạt  960,9 triệu USD. Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ với tổng vốn đăng ký đạt 7,22 tỷ USD, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 2,2 tỷ USD, Trung du và miền núi phía Bắc đạt 1,88 tỷ USD, đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,05 tỷ USD, Tây Nguyên đạt 562,1 triệu USD .

Một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài như sau :

Hà Nội, tháng tháng 9 năm 2024, Hà Nội thu hút 67,9 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó: 24 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 12,9 triệu USD; có 23 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 23,4 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 25 lượt, đạt 31,6 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn đàu tư nước ngoài, trong đó: Đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.

Hải Phòng, tính đến hết tháng 9 năm 2024, Hải Phòng có 985 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 31 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1.717,22 triệu USD, trong đó:

Vốn đăng ký cấp mới có 83 dự án đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 426,05 triệu USD. Trong đó, cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 45 dự án, đạt 371,36 triệu USD, (chiếm 87,16%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 38 dự án đạt 54,69 triệu USD (chiếm 12,84%).

Vốn đăng ký điều chỉnh có 52 dự án, với số vốn tăng là 871,08 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 41 dự án, vốn đầu tư tăng là 816,15 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 54,93 triệu USD.

Thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp có 33 lượt với số vốn đầu tư đăng ký đạt 420,09 triệu USD.

Phân loại các dự án được cấp phép mới:

Theo lĩnh vực đầu tư: Trong tổng số 426,05 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài  thành phố thu hút được từ đầu năm đến nay, có đến 165,21 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 59,02%); 104,68 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ (chiếm 37,40%); còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo đối tác đầu tư: Tính từ đầu năm đến 30/9/2024, thành phố có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Hải Phòng, trong đó Xin-ga-po dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 123,09 triệu USD, chiếm 28,89% tổng vốn đầu tư; vương quốc  Anh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 101,2 triệu USD, chiếm 23,75% tổng vốn đầu tư và Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 84,75 triệu USD, chiếm 19,89% tổng vốn đầu tư.

Hải Dương, về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 9 tháng đã thu hút trên 353,8 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước và mới đạt 54,5% kế hoạch năm; các dự án FDI đầu tư tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; cụ thể: Có 51 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 217,8 triệu USD; Có 26 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 130,7 triệu USD; Có 21 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn 5,3 triệu USD.

Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài là bước khởi đầu để Hải Dương có thêm động lực bứt phá trong thời gian tới, nhất là khi tỉnh đang xây dựng đề án khu kinh tế chuyên biệt.

Hưng Yên, tính đến 30/9/2024, toàn tỉnh có 584 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.647.275 nghìn USD, trong đó, từ đầu năm đến nay có 39 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 550.512 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 176 dự án, vốn đăng ký là 3.862.439 nghìn USD, chiếm 50,51% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 155 dự án, vốn đăng ký 928.668 nghìn USD, chiếm 12,14% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 155 dự án, vốn đăng ký 1.206.027 nghìn USD, chiếm 15,77% tổng số vốn đăng ký.

Vĩnh Phúc, trong chín tháng năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30/9/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 58 dự án đầu tư nước ngoài (28 dự án cấp mới, 30 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 507,94 triệu USD, tăng 3,44% so với cùng kỳ, vượt 26,99% kế hoạch giao đầu năm (400 triệu USD).

Nguồn vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 417,95 triệu USD cho 55 dự án. Các đối tác đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục được duy trì, trong đó Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất với 269,78 triệu USD, chiếm 53,11% tổng vốn đăng ký.

Lũy kế 9 tháng năm toàn tỉnh đã thu hút được 20 dự án FDI (13 dự án cấp mới, 07 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 4.640,18 tỷ đồng, bằng 84,37% kế hoạch giao (5.500 tỷ đồng).

Bắc Ninh, riêng trong tháng 9, toàn tỉnh có 09 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 57,8 triệu USD, trong đó có 1 dự án lớn là dự án của Xin-ga-po đầu tư vào ngành kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký 44,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 12 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 1.027,2 triệu USD; 01 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 0,5 triệu USD; chấm dứt hoạt động 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 15,15 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12.387 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 85 dự án đầu tư, trong đó có 30 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng là 1.316 tỷ đồng (23 dự án tăng vốn: 2.288 tỷ đồng; 7 dự án giảm vốn 972 tỷ đồng).

Riêng trong tháng 9, cấp điều chỉnh cho 05 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.961 tỷ đồng; cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 11 lượt dự án thứ cấp, trong đó có 07 dự án điều chỉnh vốn với số vốn giảm 83 tỷ đồng (trong đó có 04 dự án tăng vốn 378 tỷ đồng, 03 dự án giảm vốn 461 tỷ đồng). Lũy kế đến ngày 20/9/2024, trên địa bàn tỉnh đã cấp 1.591 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt gần 272,7 nghìn tỷ đồng.

Trong chín tháng vừa qua, mỗi tỉnh, thành phố trong khu vực đều đang chọn hướng đi riêng nhằm khai thác lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Có nhiều yếu tố tác động đến thu hút đầu tư vào các tỉnh như: Cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ công; chính sách đầu tư,…

Trong các yếu tố này, chính sách đầu tư và nguồn nhân lực có tác động lớn nhất đến các nhà đầu tư. Cải thiện được 2 vấn đề này, các địa phương của vùng Ðồng bằng sông Hồng sẽ có thêm nhiều cơ hội đón làn sóng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Theo gso.gov.vn