Đầu tư tư nhân và cơ hội từ cổ phần hoá
Trong số các kênh đầu tư mà các Quỹ đầu tư VinCapital – Quỹ có tổng tài sản 1,5 tỷ USD rót vốn, năm tài chính 2015 – 2016 đang ghi nhận lợi nhuận rất tốt từ danh mục đầu tư tư nhân.
Những DNNN đã và đang cổ phần hoá (CPH) và chưa lên sàn niêm yết, cũng như các DN tư nhân có triển vọng, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc, theo đó có thể sẽ là đích nhắm của các Quỹ đầu tư tư nhân thời gian tới.
Tỷ suất sinh lời hấp dẫn
Trong khi đó, các kênh khác khó có thể cho tỷ suất sinh lời hấp dẫn như vậy. Ông Andy Hồ, GĐ Điều hành VOF cho biết VOF cụ thể là quỹ đầu tư CPH, hạ tầng, chứng khoán, được tách ra từ quỹ hạ tầng đã “hết tuổi thọ” và được chia thành 2. VOF có phần lớn lợi nhuận vẫn đến từ cổ phần tư nhân hay còn gọi là đầu tư thương lượng. Ví dụ các khoản đầu tư với Novaland, hay trước đó là Kinh Đô, Hòa Phát, là Vinamilk mà VOF đầu tư đã lâu và đã góp phần đưa DN lên sàn niêm yết.
“Với đầu tư tư nhân, chúng tôi có những dự án và đã thoái vốn, thu về tài sản cho các nhà đầu tư góp vốn. Có thể so sánh một tiến trình dài các hoạt động đầu tư của VOF cụ thể trong chừng đó thời gian để thấy rõ điều này. Ví dụ, với năm tài chính 2015, lợi nhuận hàng năm từ cổ phần tư nhân của VOF đạt 9,9%; của cổ phiếu niêm yết đạt 0,8%; của trái phiếu đạt 6,6%; các dự án khách sạn đạt 4,5% và các dự án BĐS -10,0%. Tương tự, với danh mục đầu tư lần lượt nói trên, ở thời gian 3 năm, lợi nhuận từ cổ phần tư nhân của VOF đạt 5,4%. Cổ phiếu niêm yết có tổng tỷ suất sinh lợi khá tốt trong khoảng thời gian này là 7,8%. Các tài sản đầu tư khác đều sinh lợi thấp hơn cổ phần tư nhân hoặc âm. Còn trong vòng 5 năm, danh mục tài sản có tỷ suất sinh lợi dương được tính: Cổ phần tư nhân: 22.9%, cổ phiếu niêm yết: 13,5%; trái phiếu: 2,6%; các dự án khách sạn: 1,7%. Các danh mục đầu tư còn lại là các dự án BĐS và cổ phiếu niêm yết nước ngoài có lợi nhuận âm. Như vậy, 5 năm vừa rồi, mỗi năm, đầu tư tư nhân có lợi nhuận ước khoảng 23% và đây là kênh sinh lời hấp dẫn nhất trong 5 năm gần đây” – ông Andy Hồ nói.
Cũng theo đại diện Vina Capital, VOF là quỹ có thế mạnh về đầu tư tư nhân kể từ khi thành lập. Đầu tư cổ phần tư nhân đã thu về 23 triệu USD lợi nhuận gộp (bao gồm thuế và phí), với tỉ suất lợi nhuận đạt 2.1 lần (tính bình quân các thương vụ) đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2.0 lần đối với các khoản thoái vốn một phần (có nghĩa là đã thoái vốn 20-95% tài sản. Các khoản chưa thoái vốn là có dưới 20% tài sản đã thoái vốn). Hiện VOF còn 8 khoản thoái vốn chưa thực hiện với giá trị 167 triệu USD, tuy nhiên quỹ vẫn tiếp tục huy động vốn để đầu tư thương lượng với các DN mới.
Lưu ý là năm 2014 – 2015, quỹ đã có những khoản đầu tư giải ngân khá lớn vào các DN tiềm năng và chưa niêm yết. Ví dụ đầu tư hợp vốn cùng Daiwa một khoản trị giá tới 45 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần Sữa Ba Vì, hay đầu tư hợp vốn cũng 45 triệu USD vào Novaland.
Chiến lược của VOF trong tương lai là sẽ tiếp tục đầu tư giáo dục, y tế, truyền thông, logistic, vật liệu xây dựng – những lĩnh vực sẽ tiếp tục nóng 3-5 năm tới; cùng với đó là đầu tư nông thủy sản, nghĩ dưỡng – các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa. Song song tăng tổng giá trị tài sản quản lí, quỹ sẽ giảm giá chiết khấu NAV bằng trả cổ tức, mua lại chứng chỉ quỹ.
Như vậy, cơ hội để đón vốn tư nhân từ những quỹ đầu tư hàng đầu đang rất lớn. Vấn đề còn lại chỉ là, DN làm thế nào để có thể được nhà đầu tư lớn quan tâm, rót vốn dài hạn.
Nội tại và giá trị tiềm năng
Tại VN hiện có rất nhiều quỹ, tổ chức đầu tư đang phát triển và thu lợi trên con đường đầu tư tư nhân. Mekong Capital, Dragon Capital – những quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng có những danh mục đầu tư khá lớn. Đa phần các danh mục này, đều giúp họ bảo toàn vốn và sinh lời tốt hơn so với hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, ở VN, với quy mô của thị trường có 90% là DNVVN và đa phần DN có “size” rất bé, việc “đốt đuốc” tìm DN tốt không hề dễ dàng. Tìm kiếm những DN có sự sẵn sàng để đón vốn từ các tổ chức, các nhà đầu tư, cũng không dễ. Bà Trần Anh Đào, PTGĐ Sở Giao dịch chứng khoán HOSE cho biết, trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường và hàng hóa cổ phần DN. Trong thời gian vừa qua, HOSE đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt giữa các nhà đầu tư và DN thu hút 100 – 200 nhà đầu tư/buổi. Cá biệt Vinamilk đặc biệt thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư vì “size” lớn, hoạt động nền tảng của DN bền vững, cổ đông có thể nhìn thấy cơ hội sinh lợi hấp dẫn. “VN đã và sẽ có chân trong bản đồ đầu tư của các nhà đầu tư khi họ đến Asean và tương đương với các TTCK cùng khu vực, không bị các nhà đầu tư “bỏ ra” khỏi danh mục của mình. Việc tận dụng lợi thế hội nhập tốt để có những ưu điểm phát huy các FTAs và TPP để đem lại lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư” – bà Đào nói.
Song, tìm được một Vinamilk hấp dẫn như cách đây mấy chục năm khi mới CPH để tham gia góp vốn tư nhân ngay từ ban đầu kiểu VinaCapital là một thách thức. Ngay cả các DNNN đang trong tiến trình CPH thì cũng không có nhiều DN đang kinh doanh ở những lĩnh vực không hấp dẫn nhờ tận dụng lợi thế cạnh tranh (theo kiểu khai thác tài nguyên hoặc độc quyền), như hàng không (kéo theo là dịch vụ hàng không), viễn thông, hoặc các DN không kinh doanh trực tiếp và “lõi” trong lĩnh vực địa ốc, nhưng lại có tài sản lớn nhất nằm ở quỹ đất.
Điều đó, đặt các DN tư nhân và DNNN đang trong tiến trình CPH để trở thành DN tư nhân phải quan tâm đến bài học phát triển của Singapore: Làm thế nào để tăng trưởng và trở thành những DN có nội tại tốt mà không dựa vào các lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, có thể khai thác được giá trị còn khiêm tốn và dạng tiềm năng. Ông Goh Keat Jin, thành viên Hội đồng thành viên, Cty CTCK Maybank Kimeng VN, nói với DĐDN tại Diễn đàn Quan hệ cổ đông (IR) mới đây, rằng VN không giống Singapore, nhưng cần xác định để tăng trưởng hơn nữa thì thị trường vốn rất quan trọng. Các thị trường ở Singapore rất ít đất đai, con người, nguồn nhân lực, nhưng họ có nguồn vốn và sự tiếp cận nguồn vốn – thúc đẩy đầu tư cho các Cty tăng trưởng. Để khai thác thị trường vốn cho Cty nội địa thì cần tính thanh khoản, tính thanh khoản lại cần sự minh bạch. Theo đó quan hệ cổ đông trở thành chìa khóa mấu chốt. “Cty có quan hệ cổ đông sẽ tăng cường uy tín, đạt giá trị gia tăng và thu hút được nhiều nhà đầu tư, chi phí thu hút đầu tư sẽ thấp hơn, DN sẽ có lợi nhuận cao và bền vững hơn” – ông Goh nói.
Như vậy, minh bạch và đầu tư cho quan hệ cổ đông có thể là những “giá trị còn khiêm tốn và ở dạng tiềm năng” mà DN VN chưa có đủ sự quan tâm. Đặc biệt, với các DNNN chưa hoàn tất CPH và chưa xây dựng được “cốt” quan hệ cổ đông – khi cổ đông chính và chi phối họ vẫn là Nhà nước. Sự gặp gỡ giữa các cổ đông chiến lược tương lai, những nhà đầu tư quốc tế với khả năng đóng góp vào cải cách, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của DN và các DNNN đang CPH, hy vọng sẽ thúc đẩy mục tiêu đẩy nhanh tiến trình cổ phần mà Nhà nước đã đặt ra; và quan trọng hơn trong tương lai không xa, nâng cấp “hàng hóa” DN của VN để có thể tận dụng nguồn vốn đầu tư tư nhân ngay từ khi DN còn chưa niêm yết – nguồn vốn đang sẵn sàng chảy vào những địa chỉ thực sự “trũng”.