Tìm hướng đột phá phát triển doanh nghiệp tư nhân
Năm 2015 được xác định là Năm hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì thế, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân phải thiết thực, hiệu quả nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi hơn, góp phần giúp khu vực doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và bền vững, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Không ỷ lại vào sự hỗ trợ
Luôn chủ động tiết giảm chi phí đầu vào ở mức thấp nhất, tinh gọn bộ máy quản lý gọn nhẹ nhưng vẫn đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao,… là những tiêu chí hoạt động chung của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN).
Song với quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, nguồn vốn hạn hẹp, thị trường đầu ra không ổn định,… là những “tử huyệt” khiến sức cạnh tranh của DNTN không cao.
Trước khi đòi hỏi, trông chờ vào những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của Nhà nước thì bản thân DNTN cần chủ động, nỗ lực khắc phục những điểm yếu này. Nếu chỉ ỷ lại trông chờ vào Nhà nước, DN khó có thể trụ vững và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Cosmos Đặng Thị Đối cho biết, để đạt được kết quả như hôm nay, bản thân Cosmos phải nỗ lực lớn, vượt qua sức ỳ của chính mình.
Từ những ngày đầu, nếu thật sự những người góp vốn trong gia đình - hạt nhân đầu tiên của Cosmos sau này - bằng lòng với những gì đã có thì chắc chắn không thể có một DNTN cơ khí chính xác với hai cơ sở sản xuất lớn như hiện nay.
Trong điều kiện hiện tại, DN xác định giữ vững thị trường, mặt hàng truyền thống, cẩn trọng trong việc mở rộng sản xuất, mặt hàng, thị trường, bởi rất sợ những “đổ vỡ” không thể lường trước được. “Biết là sự do dự, cẩn trọng thái quá sẽ làm giảm sức vươn lên, nhưng trong điều kiện hiện tại, chúng tôi không thể mạo hiểm với đồng vốn của chính mình” - Tổng Giám đốc Đặng Thị Đối chia sẻ.
“Khu vực DNTN đang cần được hỗ trợ mạnh mẽ để tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng với DNNN, có như vậy mới phát triển tương xứng với tiềm năng” - Trưởng phòng Kiểm soát nhân sự Công ty cổ phần Dệt may Thái Bình Nguyễn Chí Hiếu nêu quan điểm.
Qua thực tế hoạt động của DNTN cho thấy, điều thiết yếu để DNTN hoạt động hiệu quả hơn là việc hỗ trợ cần thiết thực, triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung vào hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nguồn vốn tín dụng, áp dụng công nghệ mới, hình thành các liên kết ngành, phát triển theo chuỗi giá trị.
Trong các giải pháp quan trọng giúp DNTN nâng cao năng lực cạnh tranh, các DN kiến nghị cần có những chương trình vay vốn hiệu quả. Không chỉ tiếp tục giảm lãi suất mà cần có chính sách cho vay ổn định trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay.
Giám đốc DN ta-xi cổ phần Bắc Trung Nam (Thanh Hóa) Đỗ Thị Hồng đề xuất: “Từ thực tế hoạt động của DN, Nhà nước không chỉ xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần bảo đảm an toàn cho hoạt động của DN”.
Theo đó, cần cho phép DN được hưởng những hình thức cho vay mới, như cho vay theo chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng,… Nếu cho vay tín chấp, cần cho vay theo dự án sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, hoặc cho phép phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, như vậy sẽ hỗ trợ thiết thực cho DNTN.
Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) Lê Hoàng Hải cho rằng, điều quan trọng nhất là cần giúp DNTN có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay. DNTN cần cơ chế cho vay đơn giản và thân thiện hơn, nhất là tạo cơ hội để DN tiếp cận nguồn vốn vay trung và dài hạn giá rẻ như nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn huy động thông qua thị trường vốn, hay bảo lãnh tín dụng trên cơ sở tín chấp tương tự như các DNNN được hưởng hiện nay.
Về phía mình, các DNTN cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình đã làm được gì, thế mạnh, điểm yếu chủ quan ở đâu để có biện pháp khắc phục, hoàn thiện. Chủ DNTN phải tự nâng cao trình độ, quan sát và hiểu biết sâu sắc, đầy đủ tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nắm vững cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ mới,… của Nhà nước để làm cơ sở hoạch định kế hoạch phát triển, phát huy cao nhất thế mạnh của mình. Có như vậy DNTN mới nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường hiện hay. Đây là cách tốt nhất để mỗi DNTN chủ động định hướng phát triển, mang lại hiệu quả cao nhất.
Công khai, minh bạch các chính sách
Theo Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, để DNTN phát triển mạnh mẽ, điều cốt yếu là cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật, rà soát và sửa đổi các quy định liên quan DN nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các DNTN.
Việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đồng bộ về thuế, bảo hiểm, hải quan, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư,… phải do cơ quan quản lý nhà nước làm, chứ DN không thể tự thực hiện được. Xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng quan trọng, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế cũng như sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.
Để DNTN trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, Chính phủ cần có chương trình hành động tổng thể về thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Ở góc độ các hiệp hội ngành nghề, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để tìm ra giải pháp có hiệu quả, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng DN, nhất là trong những đóng góp thiết thực vào việc hình thành các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh. Điều này xuất phát từ ý thức tham gia, góp ý xây dựng văn bản pháp luật của một số bộ phận DN hiện nay quá yếu, mặc dù các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến quyền lợi của họ.
Từ hoạt động thực tiễn của mình, DNTN cần chủ động phát hiện và kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật, không nên dừng lại ở việc kêu ca, phàn nàn mà cần tích cực phản biện, hiến kế cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng thể chế, chính sách.
Từ đó, các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng DNTN phát triển vững mạnh. Để đạt được điều này, cần nâng cao vai trò cầu nối của các hiệp hội, còn Nhà nước cũng hỗ trợ cho các hiệp hội, tạo tiền đề thúc đẩy tốt hơn cho cộng đồng DNTN.
Thừa nhận DNTN vẫn chưa nhận được sự ưu đãi cần thiết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, việc cần phải làm ngay là tạo ra “sân chơi” bình đẳng cho các loại hình DN, nhất là trong việc xử lý nguồn vốn và tạo việc làm, giúp phân bổ nguồn lực một cách công bằng.
Để DNTN có thể tham gia vào khu vực FDI, cần sự liên kết và chính sách đúng, DNNN cũng cần tạo thành mô hình chuỗi và tạo điều kiện cho DNTN cùng tham gia. Sự hỗ trợ đầu tiên là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Tạo cơ hội cho DNTN tiếp cận đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ, đồng thời phải có hỗ trợ “đầu tư mồi” của Nhà nước, nhất là đầu tư hạ tầng dùng chung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu.
Chỉ trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, DNTN mới phát triển đúng với khả năng, sức mạnh và tầm vóc của nó; trong đó, quan trọng là các vấn đề tiếp cận tín dụng, đất đai và các dự án mua sắm công.