Vận hội mới của doanh nghiệp tư nhân

PV. (TỔNG HỢP)

Đối với nền kinh tế Việt Nam, phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là một yêu cầu cấp thiết, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững, tăng cường sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đây không chỉ là yếu tố đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, mà còn góp phần quan trọng ổn định xã hội khi tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đóng góp ngày càng có hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian quan, mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn thể hiện được vai trò trụ đỡ quan trọng. Vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng, tốc độ tăng trưởng ổn định cho thấy tính bền vững của khu vực này.

Theo Tổng cục Thống kê dự báo, trong năm 2015, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp khoảng 30% ngân sách và khoảng 40% GDP của cả nước.

Nền kinh tế tăng trưởng phục hồi đã khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo Tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 của Uỷ ban giám sát tài chính Quốc cho biết: So với cùng kỳ, 6 tháng năm 2015 đầu tư khu vực tư nhân tăng 11,4%, là mức tăng cao nhất so với các khu vực còn lại của nền kinh tế.

Tính đến 20/7, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát tại quý 2/2015 của Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý 1/2014. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm % so với quý 1/2014 và ở mức tương đương với quý 3/2014.

Cũng theo cuộc khảo sát này, 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý 3/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cũng tương xứng với thông tin các hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Cần có chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng, thiết thực đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Việc triển khai nhiều chính sách, giải pháp về vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực,… đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp vực dậy, trụ vững và tiếp tục vươn lên.

Năm 2015 được xác định là Năm hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì thế, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân phải thiết thực, hiệu quả nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi hơn, góp phần giúp khu vực doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và bền vững, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Để doanh nghiệp tư nhân phát triển được đúng với tiềm năng vốn có của nó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: Điều cốt yếu là cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật, rà soát và sửa đổi các quy định liên quan DN nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các DNTN. Việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đồng bộ về thuế, bảo hiểm, hải quan, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư,… phải do cơ quan quản lý nhà nước làm, chứ DN không thể tự thực hiện được. Xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng quan trọng, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế cũng như sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Để DNTN trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, Chính phủ cần có chương trình hành động tổng thể về thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Đánh giá vấn để này ở góc độ các hiệp hội ngành nghề, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để tìm ra giải pháp có hiệu quả, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng DN, nhất là trong những đóng góp thiết thực vào việc hình thành các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh. Điều này xuất phát từ ý thức tham gia, góp ý xây dựng văn bản pháp luật của một số bộ phận DN hiện nay quá yếu, mặc dù các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến quyền lợi của họ.

Từ hoạt động thực tiễn của mình, DNTN cần chủ động phát hiện và kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật, không nên dừng lại ở việc kêu ca, phàn nàn mà cần tích cực phản biện, hiến kế cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng thể chế, chính sách. Từ đó, các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng DNTN phát triển vững mạnh. Để đạt được điều này, cần nâng cao vai trò cầu nối của các hiệp hội, còn Nhà nước cũng hỗ trợ cho các hiệp hội, tạo tiền đề thúc đẩy tốt hơn cho cộng đồng DNTN.