Cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân
Quá trình tái cơ cấu ngành NH hiện nay được xem là giai đoạn tốt để các nhà đầu tư tư nhân tìm kiếm cơ hội bỏ vốn. Đáng chú ý là với những NH quy mô còn nhỏ, cần nâng cao năng lực tài chính để tăng sức cạnh tranh.
Hàng ngàn tỷ vốn góp
Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính-NH. Chẳng hạn, EVN phải thoái vốn khỏi ABBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải thoái vốn khỏi OceanBank…
Đồng thời, với quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các NH phải đẩy nhanh lộ trình thoái vốn sau 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, thì đây chính là cơ hội cho các tập đoàn kinh tế tư nhân nhảy vào lĩnh vực vốn được xem là siêu lợi nhuận này.
Việc sáp nhập, hợp nhất, thay đổi cơ cấu sở hữu, cũng như các thành viên trong HĐQT lần này của những NH có thêm vốn tư nhân mà không làm mất đi thương hiệu vốn có, lại thêm tính hệ thống rất cao.
Cụ thể, tại VietABank, dưới áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng để tồn tại và việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), VietABank đã được chuyển nhượng lại cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010. Trong cơ cấu sở hữu của VietABank hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt là cổ đông lớn nhất, sở hữu 17,36% vốn điều lệ.
Trước đó, đại diện cho cổ đông lớn của NH là SJC và một số cổ đông khác. Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương là ông Việt cũng giữ “ghế” Chủ tịch HĐQT của VietABank từ đó đến nay.
Ở một NH khác là TPBank, trước áp lực tăng vốn và tái cấu trúc trong giai đoạn đầu khi NHNN bắt tay thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji đã sớm vào TPBank, với tỷ lệ nắm quyền chi phối NH này là 20%, cho dù ở giai đoạn đó, TPBank chỉ là một thương hiệu NH mới, quy mô nhỏ.
Kienlongbank cũng vậy, việc tham gia vào HĐQT và trúng cử ghế “nóng” Chủ tịch của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) tại kỳ họp HĐQT thường niên 2013 cũng là một thương vụ điển hình cho làn sóng đẩy mạnh đầu tư vào NH của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Mặc dù bầu Thắng, Chủ tịch HĐQT Gạch Đồng Tâm, kiêm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho biết, không nắm giữ cổ phiếu của NH này, nhưng con trai ông là ông Võ Quốc Lợi lại là cổ đông lớn Kienlongbank, tỷ lệ sở hữu 5%. Kienlongbank cũng đã được NHNN chấp thuận đề án tự tái cấu trúc và “bầu” Thắng đang đặt tâm huyết đưa Kienlongbank trở thành NH bán lẻ, đa năng hiện đại.
Đồng thời, Kienlongbank còn lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính so với mức vốn còn khiêm tốn 3.000 tỷ đồng hiện nay. Kế hoạch, trong năm tới Kienlongbank sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ.
Mới đây nhất, chuyện Kinh Đô rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank được nhắc đến trong những ngày qua khá bất ngờ cho nhiều người, vì thông tin trước đó DongA Bank sẽ về chung nhà với ABBank. Trong kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 21/7, HĐQT DongA Bank đã trình xin ý kiến cổ đông thông qua vấn đề tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ qua việc kêu gọi thêm nhà đầu tư mới làm cơ sở giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho NH trong tương lai.
Thời của tư nhân
Thực tế, khi nhìn vào lịch sử đầu tư của Kinh Đô, đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn này “rót” tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính – NH. Trước đó, tháng 2/2007, Kinh Đô đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược, đầu tư 90 triệu USD vào Eximbank, trở thành một trong những đối tác chiến lược của Eximbank.
Chỉ trong khoảng 3 năm sau đó Kinh Đô rút khỏi Eximbank và nay đã trở lại lĩnh vực NH, với việc nắm giữ gần 17% cổ phần của DongA Bank trong đợt tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng dự kiến vào cuối năm nay.
Như vậy, việc Kinh Đô nhìn thấy tiềm năng ở lĩnh vực tài chính - NH đã có cách đây gần 10 năm, nhưng mãi đến lúc này, quá trình tái cơ cấu ngành NH diễn ra mới được xem là thời điểm tốt để đầu tư.
Theo một nguyên lãnh đạo cao cấp NH, trước đây rất nhiều NH muốn tăng vốn điều lệ, tăng năng lực cạnh tranh bằng cách chờ sáp nhập với NH khác, hoặc đợi vốn ngoại rót nhưng đều không thành công. DongA Bank là một ví dụ.
Trước khi Kinh Đô trở thành cổ đông trong nước lớn nhất của DongA Bank, trên thị trường xuất hiện thông tin, DongA Bank – ABBank sẽ về chung nhà. Đáng chú ý là trong 2 năm gần đây khi hoạt động của DongA Bank có phần sa sút, nợ xấu tăng cao, lợi nhuận giảm. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng của DongA Bank chỉ còn 35 tỷ đồng, do nợ xấu tăng.
Cuối năm 2014, kế hoạch tăng vốn của DongA Bank lên 6.000 tỷ đồng cũng bất thành, do cổ đông không đóng đủ tiền nên đành phải hủy. Vì vậy, thông tin DongA Bank sẽ phải sáp nhập vào một NH khác mà cụ thể là ABBank được lan truyền khá nhanh. Qua trao đổi với báo chí, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank xác nhận, ABBank có tìm đến DongA Bank và đưa ra lời đề nghị sáp nhập giữ lại thương hiệu DongA Bank, nhưng HĐQT DongA Bank đã từ chối.
Có thể, tại thời điểm trên, HĐQT DongA Bank đã được Kinh Đô cam kết mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn của DongA Bank. Về tỷ lệ, các cổ đông chính của DongA Bank gồm: PNJ (7,7%), ông Trần Phương Bình và gia đình: 9,6%, Thành ủy TP. HCM (UBND TP.HCM) 6,9%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là 10% và sắp tới đây sẽ có thêm Kinh Đô.
Rõ ràng, việc đầu tư của Kinh Đô không chỉ giúp đơn vị này chiếm vị trí cao ở một NH mà giúp cho DongA Bank thoát khỏi “bản án nặng nề” của NHNN đặt ra đối với những NH yếu kém.
Có thể, sắp tới đây, thị trường còn chứng kiến thêm một vài thương vụ tư nhân rót vốn vào NH, trước mắt là câu chuyện Nam A Bank góp vốn tại Eximbank. Với nhiều chuyên gia, đến thời điểm này, vẫn chưa thể kết luận được điều gì, song phải nhìn nhận rằng đây là cơ hội đầu tư hiếm có của DN tư nhân.
Bởi việc tập đoàn kinh tế tư nhân chiếm hữu tỷ lệ cổ phần lớn tại NH chỉ có thể xuất hiện trong quá trình tái cấu trúc NH. Nhìn chung, sắp tới, sẽ còn rất nhiều thông tin liên quan đến sáp nhập, rót vốn ở ngành tài chính được công bố.
Đặc biệt, vào giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, Chính phủ Việt Nam còn cho phép NH nhỏ yếu kém, cần nguồn lực tài chính để tái cấu trúc có thể bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài.