Đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam: Rủi ro và Cơ hội
Giáodục là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên khi đầu tư vào lĩnh vực này, những nhà đầu tư cần thận trọng trước những cơ hội và thách thức mang lại.
Lĩnh vực giáo dục đang được tạo điều kiện
Việt Nam cam kết với WTO về việc mở cửa lĩnh vực giáo dục thực sự tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”). Trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần những môi trường học tập tiêu chuẩn quốc tế, kinh doanh giáo dục có khả năng đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
Khi thành lập cơ sở giáo dục, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp NĐTNN phải tiến hành xây dựng cơ sở vật chất và hoàn thành trước khi đưa vào hoạt động. Đối với những cơ sở giáo dục đăng ký hoạt động dưới 20 năm thì không nhất thiết xây dựng cơ sở vật chất riêng mà có thể thuê trường, lớp, nhà xưởng và các diện tích phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 05 năm. Còn những trường hợp đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên, việc xây dựng cơ sở vật chất mới là bắt buộc, giai đoạn đầu tối đa là năm năm, các cơ sở này phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất cần thiết, ổn định để triển khai đào tạo, giảng dạy và phải đảm bảo việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo đúng tiến độ của dự án.
Ngoài cơ sở giáo dục chính, NĐTNN còn có thể mở thêm các phân hiệu trong cùng một tỉnh, thành phố hoặc tại các tỉnh, thành phố khác.
Những vấn đề pháp lý cần phải lưu ý
1.Phạm vi và hình thức khi NĐTNN đầu tư vào giáo dục
Theo biểu cam kết với Tổ chức thương mại thế giới WTO, đối với lĩnh vực giáo dục, Việt Nam chỉ cam kết các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế, đào tạo ngôn ngữ, đối với nội dung giáo dục thuộc phạm vi ngành Giáo dục bậc cao, Giáo dục cho người lớn, Các dịch vụ giáo dục khác thì Chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam phê chuẩn..
Riêng đối với dịch vụ giáo dục phổ thông gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục mầm non, Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cơ sở giáo dục phổ thông do NĐTNN mở là dành cho học sinh là người nước ngoài và chỉ một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu theo tỷ lệ luật định. Còn các cơ sở giáo dục mầm non dành cho trẻ em là người nước ngoài và không được phép nhận trẻ em quốc tịch Việt Nam.
NĐTNN được phép đầu tư thành lập cơ sở giáo dục theo một trong hai hình thức: cơ sở giáo dục 100% vốn của vốn nước ngoài hoặc cơ sở giáo dục liên doanh với nhà đầu tư trong nước.
2.Những hạn chế mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp phải trong việc thành lập cơ sở giáo dục
NĐTNN phải tiến hành làm thủ tục xin cấp 3 loại giấy phép theo quy trình sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
2. Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
3. Giấy phép hoạt động giáo dục.
Lưu ý, nếu quá 36 tháng đối với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ trung tâm dạy nghề) và quá 24 tháng đối với các cơ sở giáo dục khác mà các cơ sở giáo dục vẫn không có đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục thì Quyết định cho phép thành lập được cấp trước đó sẽ bị thu hồi.
Tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài không được quá 10% với trường tiểu học và trung học cơ sở, không quá 20% với trường trung học phổ thông. Quy định này sẽ gây gặp khó khăn cho các trường trên khi lượng học sinh Việt Nam có nhu cầu nhập học vượt quá tỷ lệ luật định.
Theo quy định tại Nghị định 73, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường cao đẳng, đại học có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là tối thiểu 25% và 35%. Trong khi đó, đối với các trường đại học không có vốn đầu tư nước ngoài thì số lượng giảng viên có trình độ từ tiến sĩ không bị ấn định mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu hoạt động của trường.