Đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải các-bon dioxide và tăng trưởng kinh tế

PV. (t/h)

Đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải các-bon dioxide, cải thiện chất lượng không khí và tăng trưởng kinh tế.

Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”.
Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”.

Ngày 6/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNRCO) và Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và giúp hàng triệu hộ dân thoát nghèo. Dựa trên thành tựu đạt được, Việt Nam quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe các tham luận: Thông tin chuyên sâu khu vực về tài trợ cho SDGs từ phân tích tăng cường tính bền vững nợ công của ESCAP; các phát hiện và khuyến nghị từ Nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Lựa chọn chính sách”...

Theo đó, nghiên cứu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, kết quả lập mô hình cho thấy, đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải các-bon dioxide, cải thiện chất lượng không khí và tăng trưởng kinh tế. Nếu giả định Chính phủ sẽ tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, ước tính khoảng 13,5 tỷ USD/năm (từ năm 2021 – 2030) và 23 tỷ USD/năm (từ năm 2031 - 2050) theo Quyết định số 500/QĐ-TTg, tỷ trọng năng lượng tái tạo dự kiến tăng đáng kể.

Đặc biệt, giai đoạn sau năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 60% cơ cấu năng lượng và phát thải các-bon dioxide sẽ giảm 53% so với mức cơ sở vào năm 2050. Bên cạnh đó, GDP sẽ tăng thêm 3 - 4% so với kịch bản cơ sở trong những năm đầu tư đầu tiên, sau đó giảm về mức tăng trưởng dương cao hơn khoảng 2% GDP so với mức cơ sở đến năm 2030.

Sau năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng trở lại, trung bình khoảng 3,5% nhờ các khoản đầu tư mới, với quy mô lớn hơn trong giai đoạn từ năm 2030 - 2050. Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư quy mô lớn này chủ yếu đến từ Chính phủ thì có thể khiến nợ công tăng đột biến.

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, y tế, an sinh xã hội và giáo dục như trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia có thể mang lại tác động tích cực, đáng kể cho công tác giảm nghèo và sản lượng kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện Chương trình 2021 - 2025. Giả sử khoản đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia được giải ngân hiệu quả, sản lượng kinh tế có thể tăng thêm 2% so với kịch bản cơ sở trong giai đoạn thực hiện Chương trình 2021 - 2025.

Từ năm 2025 trở đi, tác động tăng trưởng sẽ giảm, chỉ cao hơn khoảng 0,8% so với mức cơ sở. Do phần lớn đầu tư sẽ dành cho an sinh xã hội nên có thể giảm đáng kể tình trạng nghèo đói. Tác động đến dư địa tài khóa là không đáng kể, vì chỉ 15,22% tổng gói chi tiêu được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước.

Đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thông tin và truyền thông chiếm khoảng 2% GDP, có khả năng tạo ra tác động tích cực đến sản lượng kinh tế trong dài hạn. Dự kiến tác động tăng trưởng tích cực sẽ tăng dần từ mức cơ sở vào năm 2020 và đạt khoảng 0,7% so với mức cơ sở từ năm 2025 trở đi.  

Đánh giá tác động của chính sách đến thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, kết quả mô phỏng chỉ ra một số tác động của chính sách đối với Việt Nam. Cụ thể: 

Thứ nhất, kết quả lập mô hình nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa toàn diện trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung quan trọng nhất là duy trì chi tiêu công hợp lý cho ba lĩnh vực phát triển chính: Y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Việc cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng các dịch vụ công nói trên sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những vùng thường xuyên bị thiên tai, từ đó thúc đẩy bình đẳng kinh tế - xã hội trong dài hạn.

Thứ hai, nghiên cứu chứng minh những lợi ích về môi trường khi đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi quan trọng, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, đồng thời nêu rõ tác động tăng trưởng kinh tế của việc cải thiện sức khỏe người dân và tăng năng suất lao động.

Thứ ba, các kết quả mô phỏng xác định rõ sự đánh đổi trong các lựa chọn chính sách và minh họa những tác động khác nhau theo quy mô, thành phần và tốc độ đầu tư. Ví dụ, xét cùng một khoản đầu tư, so với đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội thì đầu tư vào giáo dục sẽ tạo ra những lợi ích lâu dài về việc làm, vốn đầu tư và giảm nghèo, nhưng lại tạo ra ít yếu tố kích thích ngắn hạn đối với tiêu dùng hộ gia đình. 

Thứ tư, cần đảm bảo hiệu quả trong chi tiêu công. Các lợi ích minh họa về kinh tế xã hội và môi trường đều dựa trên giả định giải ngân ngân sách kịp thời và thực hiện dự án hiệu quả. Để đạt được điều này, Chính phủ Việt Nam có thể ứng dụng các công nghệ số để cải thiện công tác quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

Thứ năm, ngoài chính sách về nguồn thu và chi tiêu tài khóa, cần cân bằng giữa quản lý hiệu quả nợ công và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn. Phương thức đầu tư cho những chính sách ưu tiên sẽ tác động trực tiếp đến nợ Chính phủ. Trường hợp đầu tư tư nhân chiếm 30% tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng 28,8%, tỷ lệ này khi không có đầu tư tư nhân là 43,8%.