Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu

Hiền Nguyễn

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng và hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng tăng trưởng thì việc chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu là vấn đề quan trọng cần được DN cũng như cơ quan quản lý cần chú trọng triển khai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, với việc thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới (FTA), các nước sẽ tăng cường triển khai các hàng rào kỹ thuật buộc doanh nghiệp phải đáp ứng khi các hàng rào thuế quan gần như được dỡ bỏ. Đây chính là các hàng rào phi thuế quan bắt buộc DN phải đáp ứng nếu muốn hàng hóa được chấp thuận NK vào các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển.

Được biết, để hỗ trợ DN trong XK hàng hóa, thời gian qua, các cơ quan quản lý như Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) cho các DN.

Đồng thời, khảo sát, đánh giá các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TCVN, QCVN) của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã tham gia góp ý, hoàn thiện các văn bản về hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade- TBT), bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) là những hàng rào DN và sản phẩm hàng hóa XK phải tuân thủ.

Về phía các DN, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, DN xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn, giúp giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí cho DN khi sản phẩm hàng hóa XK bị nước NK trả về hoặc kiện yêu cầu bồi thường.

Đặc biệt, DN cần chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường như ISO, 5S, TPM… nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía nước nhập khẩu.

Về một số hoạt động cụ thể, được biết, trong năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã có rất nhiều các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao hệ thống quản lý và áp dụng vào sản xuất.

Trong đó, đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT Hà Nội áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất...

Được biết, nhiều DN trong nước cũng đã và đang chủ động triển khai áp dụng tích hợp hệ thống quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu của các sản phẩm dịch vụ trong thị trường khắc nghiệt hiện nay.

Đơn cử, Công ty Cổ phần dệt may Phú Vĩnh Hưng đã áp dụng tích hợp hai tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001, nhờ đó, không những giải quyết được những khó khăn trong quá trình vận hành doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN ngày càng cao,  vị thế của công ty trên trường quốc tế cũng ngày càng được nâng cao.

Theo các chuyên gia, các DN phải tuân thủ thực thi các cam kết về các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tránh việc hàng hóa XK không được các quốc gia NK chấp thuận. Để hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của các hàng rào kỹ thuật thì việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng.

Trên thực tế, mỗi nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu nhằm nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh...

Tùy vào hệ thống văn bản quy phạm của từng nước, các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) được xây dựng, ban hành dưới dạng các văn bản khác nhau, đồng thời cũng thể hiện những mục tiêu khác nhau của mỗi nước.

Với cùng một tiêu chuẩn áp dụng, nhưng sản phẩm đó có thể được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước này nhưng lại không được chấp nhận và phù hợp với quy định của nước kia, dẫn đến yêu cầu bắt buộc về thu hồi sản phẩm.