Đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu với hộ kinh doanh nộp thuế khoán

PV.

Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; chống thất thu đối với hộ khoán, ngày 4/8/2017, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1359/QĐ-TCT triển khai kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời
Tổng cục Thuế cho biết, mục tiêu cao nhất của kế hoạch chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh là tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, nhất là ở các TP, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, từ đó có biện pháp chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và mở sổ kế toán theo quy định 
Quyết định số 1359/QĐ-TCT đã cụ thể hóa nhiệm vụ “quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; chống thất thu đối với hộ khoán…” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg, Tổng cục Thuế yêu cầu, việc thực hiện kế hoạch chống thất thu phải đảm bảo đúng quy định; có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; kết hợp đồng bộ và hài hòa các biện pháp thanh tra, kiểm tra, khảo sát, vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế.
Quan trọng hơn là từ kết quả chống thất thu, cơ quan thuế phải thực hiện, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý khoán thuế đối với cơ sở kinh doanh theo hướng chuyển mạnh hộ kinh doanh quy mô lớn, hộ kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực có nhiều rủi ro đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán.
Theo Tổng cục Thuế, bên cạnh ý nghĩa chống thất thu NSNN, mục đích của việc kiểm tra là để chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc thoả thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh, tránh lợi dụng núp bóng hộ khoán để sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế vào các mục đích bất hợp pháp.
Tiếp tục triển khai chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Tổng cục Thuế nhấn mạnh, trong 5 tháng cuối năm, cơ quan Thuế các cấp sẽ tiếp tục triển khai chống thất thu đối với DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm.
Đồng thời tập trung lựa chọn thêm nhóm đối tượng là những cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực: cung cấp vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho SXKD, bao gồm cả hộ kinh doanh và DN có mối liên quan trong việc cung cấp đầu ra, đầu vào trên phạm vi toàn quốc để kiểm tra.
Về số lượng đơn vị phải thực hiện kiểm tra chống thất thu, Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn tối thiểu là 10 đơn vị kiểm tra trên địa bàn toàn quốc. Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lựa chọn tối thiểu mỗi chi cục thuế nội thành 15 đơn vị tại địa bàn, mỗi chi cục thuế ngoại thành tối thiểu 10 đơn vị tại địa bàn.
Tổng cục Thuế sẽ căn cứ cơ sở dữ liệu toàn ngành, đồng thời đối chiếu với thực tế quản lý và cở sở dữ liệu tại địa bàn để lập danh sách đối tượng có dấu hiệu rủi ro để tiến hành kiểm tra.
Danh sách đối tượng có dấu hiệu rủi ro được lập và thực hiện bổ sung hàng tháng chậm nhất là ngày 20/8, 15/9, 15/10, 15/11. Trên cơ sở danh sách này, việc kiểm tra phải đảm bảo theo quy trình và nguyên tắc: đối với việc kiểm tra hộ kinh doanh, cơ quan thuế tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như: công an, quản lý thị trường, văn hóa - thể thao và du lịch,…để  thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, khảo sát tại địa điểm kinh doanh.
Tương tự đối với việc kiểm tra DN, tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của DN sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra tại trụ sở của DN. Trường hợp sau khi kiểm tra có dấu hiệu hoạt động kinh doanh phức tạp, quy mô lớn, kinh doanh liên kết nhằm mục đích trốn thuế thì báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế để thực hiện thanh tra chống thất thu thuế theo quy định. 
Do đó, Tổng cục Thuế sẽ thành lập Ban chỉ đạo và đoàn công tác do lãnh đạo Tổng cục làm trưởng đoàn để chỉ đạo việc triển khai kế hoạch chống thất thu, nghiên cứu các biện pháp và tổ chức thực hiện; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế để thực hiện kiểm tra chống thất thu theo kế hoạch này. Cục Thuế chủ trì việc thành lập đoàn kiểm tra chống thất thu tại trụ sở đơn vị đảm bảo yêu cầu kiểm tra chéo giữa các chi cục thuế trên địa bàn.
Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, TP có trách nhiệm phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện kiểm tra; riêng các Cục Thuế có điều tiết ngân sách về trung ương phải báo cáo danh sách đối tượng kiểm tra chi tiết về Ban chỉ đạo Tổng cục Thuế. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, cơ quan thuế và các cơ quan ban ngành trên địa bàn phải có sự phối hợp, đồng thuận theo sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên.