Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội
Trong những năm qua, cải cách thủ tục hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ nay, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đa tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chinh, ứng dụng cong nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phi cho doanh nghiệp, người tham gia khi thực hiện thủ tục hanh chinh trong lĩnh vực bảo hiểm xa hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, cơ quan BHXH đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự an tâm, tin tưởng, hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH.
Toàn Ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục. Nhờ đó, việc giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT cho các đối tượng tham gia ngày càng được cải tiến, rút gọn từ 263 thủ tục hành chính năm 2009 xuống còn 25 thủ tục hiện nay.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của Ngành và đến nay, tất cả các dịch vụ công này đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được cơ quan bảo hiểm rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết (từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc); cùng với đó kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của Ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH. Đến nay, BHXH Việt Nam đã đạt được các kết quả ấn tượng như: Xây dựng được hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT…
Bên cạnh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực triển khai công tác chuyển đổi số. Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân. Đây là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã chia sẻ để để xác thực thông tin của trên 32 triệu công dân)…
Đặc biệt, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã ra mắt ứng dụng “VssID - BHXH số” (người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ công trên ứng dụng) được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng chính phủ điện tử.
Đồng thời, BHXH triển khai xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số; từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0” để phục vụ người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ cơ bản (dịch vụ tin nhắn SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo)…
Nhìn chung, việc triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của ngành BHXH Việt Nam đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và doanh nghiệp. Nhờ thành quả trên, 5 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến 2021), BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành BHXH Việt Nam thời gian qua đã đổi mới phương thức phục vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các thủ tục hành chính của Ngành. Những nỗ lực, hành động cải cách thiết thực của ngành BHXH Việt Nam đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Minh chứng là tháng 4/2022, BHXH Việt Nam công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam năm 2020 (SIPAS 2020).
Kết quả đo lường chỉ số SIPAS 2020 của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, 81,6% người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát hài lòng với chất lượng cung cấp dịch vụ công khi đến giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH tại bộ phận “một cửa”, bưu điện, đại lý thu; cơ sở khám chữa bệnh. 75,9% người dân, tổ chức, doanh nghiệp hài lòng với chất lượng giao dịch trực tuyến (giao dịch điện tử, tra cứu thông tin tại trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH; hỏi đáp qua tổng đài chăm sóc khách hàng).
Đánh giá về chất lượng phục vụ của ngành BHXH Việt Nam tại các địa điểm giao dịch theo các tiêu chí đo lường cho thấy, 82,9% người dân, tổ chức, doanh nghiệp hài lòng với chất lượng cung cấp dịch vụ công khi đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH; sự hài lòng này lần lượt là 82,1% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại đại lý thu, 82,7% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại bưu điện và 78,9% với chất lượng giao dịch trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH khi sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến cho thấy, 78,4% người dân, đại diện tổ chức hài lòng khi thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT...
Trong thời gian tới, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, theo các chuyên gia, ngành BHXH Việt Nam nên ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cơ quan BHXH các cấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới (định danh trực tuyến, liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán và chi trả các chế độ…) để hoàn thiện “hệ sinh thái BHXH 4.0”, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính của BHXH địa phương, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong Ngành, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, chuẩn kết nối để tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử của tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giải quyết của Ngành theo quy định.
* ThS. Nguyễn Thuỵ Phương, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2022.