Đẩy mạnh chống buôn lậu, giữ ổn định thị trường vàng
(Tài chính) Các vụ buôn lậu vàng có xu hướng giảm, góp phần phục hồi dự trữ quốc gia, không còn cảnh người dân tranh mua tranh bán mỗi khi thị trường biến động về giá vàng… trở thành những điểm sáng của thị trường vàng, đóng góp quan trọng vào sự ổn định thị trường tài chính tiền tệ trong thời gian qua.
“Cửa hẹp” cho giới đầu cơ và buôn lậu
Thời gian qua, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số vụ buôn lậu vàng. Theo đó, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an) đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia.
Đáng chú ý là các hình thức buôn lậu ngày càng tinh vi và đa dạng. Theo thông tin từ Công an TP. Hồ Chí Minh vừa được báo Công an Nhân dân đăng tải mới đây, gần đây xuất hiện các nhóm đối tượng cắt nhỏ vàng thỏi và dùng ôtô để phân phối đến các địa điểm tiêu thụ trên khắp cả nước, trong đó chủ yếu là khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam nên rất khó phát hiện. Tại những địa điểm Châu Đốc (tỉnh An Giang), các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang vụ buôn lậu hàng chục kg vàng.
Gần đây, các phương tiện truyền thông cũng thông tin không ít vụ buôn vàng lớn. Điển hình nhất là ngày 23/5/2014, tổ công tác của Công an TP.Đà Nẵng đón lõng, kiểm tra giấy tờ 1 xe nghi vấn và bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng được “ngụy trang” một cách tinh vi trên chiếc xế hộp hạng sang nhưng không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ. Được biết, đây không phải là phi vụ vận chuyển mang tính chất đơn lẻ của một số đối tượng mà là một đường dây vận chuyển, tiêu thụ vàng quy mô lớn xuyên quốc gia. Mới đây nhất, những ngày đầu tháng 11/2014, Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh Điện Biên đã khám phá vụ án buôn lậu vàng lớn, trong đó đã bắt giữ hai đối tượng người Việt Nam đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua 15 kg vàng thỏi với số tiền trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước kiếm lời...
Trên một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dù rất khó để ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu vàng, song số vàng lậu chảy vào Việt Nam đã giảm đáng kể. Trên thực tế, nếu muốn kiếm được lợi nhuận lớn thì vàng nhập lậu phải chảy vào được “khuôn vàng” SJC. Tuy nhiên, do hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý chặt chẽ việc sản xuất và nhập khẩu vàng nên điều này là rất khó xảy ra. Được biết, SJC sản xuất số lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào đều theo chỉ định và phải được phép của NHNN mới thực hiện. Sau khi sản xuất xong theo “đơn đặt hàng” của NHNN, toàn bộ máy móc sản xuất, khuôn vàng đều được niêm phong, thậm chí, kể cả giữa ca nghỉ ăn trưa. Đây được là lý do chính vàng nhập lậu vào Việt Nam đã giảm đáng kể trong thời gian qua.
Có thể nói, các đối tượng vẫn tìm mọi cách buôn lậu vàng bởi tính toán cho thấy lợi nhuận mang lại từ buôn lậu vàng không kém buôn ma túy qua biên giới trong khi buôn vàng khi bị bắt chịu án thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những động thái mạnh mẽ của các cơ quan chức năng như hải quan, công an, biên phòng, Ngân hàng… trong công tác chống buôn lậu đã và đang làm “chùn tay” giới buôn lậu.
Thị trường vàng vẫn ổn định
Trong thành công chung của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống buôn lậu vàng, giúp thị trường vàng trong nước ổn định thì cũng phải kể đến những kết quả điều hành tích cực của NHNN. Nhìn lại hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chính sách quản lý và điều hành thị trường vàng của NHNN đã mang lại những kết quả tích cực. Điều rõ nhất ai cũng có thể thấy đó là việc hiện không còn tình trạng người dân “rồng rắn” xếp hàng mua bán vàng mỗi khi thị trường vàng biến động như trước đây.
Phải thừa nhận rằng, trong năm 2014, không chỉ do giá vàng thế giới biến động không như mong đợi của giới đầu cơ, tình trạng kinh tế khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu… mà còn phải kể đến các biện pháp tăng cường quản lý, siết chặt thị trường của NHNN. Đặc biệt, việc độc quyền thị trường vàng miếng nội địa và độc quyền nhập khẩu vàng đã giúp phục hồi dự trữ ngoại tệ quốc gia sau khi suy giảm rất mạnh vào cuối năm 2011. Hơn nữa, khi chính sách quản lý đúng hướng và quan trọng hơn cả là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì người dân chuyển hướng sang kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, tập trung sản xuất kinh doanh… chứ không mạo hiểm tập trung vào vàng miếng để kiếm chênh lệch như trước đây.
Hiện nay, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng như những động thái của NHNN trong việc rút ngắn khoảng cách giá, tạo sự liên thông đối với giá vàng nội – ngoại. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, chỉ nên bàn đến vấn đề đó khi thị trường vàng, thị trường ngoại hối được kiểm soát và mức ổn định kinh tế vĩ mô thực sự vững chắc.