Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thời gian qua các địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực.
Doanh nghiệp đánh giá cao
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm công nghiệp, cơ khí phục vụ xuất khẩu, ngay từ khi đi vào hoạt động, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần cơ điện Tomeco đã nghĩ ngay đến việc phải giữ chữ tín làm đầu. Theo lãnh đạo Công ty, có 3 vấn đề khách hàng hết sức quan tâm đó là chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.
Như vậy không có con đường nào khác phải luôn không ngừng cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để làm được việc này trong suốt quá trình hoạt động, Công ty luôn nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc tiếp cận hệ thống ISO 9001, đầu tư nâng cấp hệ thống sản xuất, nâng cấp hệ thống nhân sự, đổi mới công nghệ, tăng cường học hỏi thông qua các tổ chức tư vấn… Trong suốt quá trình đó, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn.
Có thể thấy, Công ty Tomeco chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng thành công các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc nâng cao năng lực tự thực hiện cải tiến của các doanh nghiệp. Sau thời gian thực hiện kết quả cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động của dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng… Hỗ trợ của dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Hiện có 94,8% các mô hình điểm tiếp tục duy trì sau khi kết thúc dự án, trong đó, 22,2% mô hình được mở rộng.
Địa phương tích cực vào cuộc
Trên cơ sở kết quả này, tại nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tại Quảng Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đề xuất này dựa trên căn cứ kinh nghiệm và kết quả thực tế triển khai của 30 mô hình điểm giai đoạn 2015-2020 đã giúp doanh nghiệp có những bước đi chắc chắn trong tổ chức bộ máy và hệ thống quản lý.
Dự án tập trung hỗ trợ 10 doanh nghiệp theo các nhóm lĩnh vực chính bao gồm nhóm doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo, vật liệu xây dựng; nhóm doanh nghiệp lĩnh vực nuôi trồng nông, lâm, thủy sản và chế biến; nhóm doanh nghiệp dịch vụ; nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nội dung hỗ trợ gồm giải pháp kết hợp các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, các giải pháp số hoá, chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp. Những doanh nghiệp được lựa chọn lần này đều đã nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19 xây dựng thành công các hệ thống quản lý chất lượng.
Trong khi đó, tại Bình Dương, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) thời gian qua cũng đã triển khai dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn trên cơ sở triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nội dung, chính sách hỗ trợ, cách thức tham gia, Chi cục còn hỗ trợ các doanh nghiệp chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 27001, ISO 22000, ISO 50001, ISO/ IEC 17025, OHSAS 18000, SA 8000 HACCP… ); áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng (5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, GHK, KPI...).
Kết quả triển khai cho thấy, các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự phát triển, góp phần giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Dựa trên kết quả này, cuối năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 2684/QĐ-UBND về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, tư vấn và chứng nhận các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/1 công cụ/doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, tư vấn và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng và hệ thống quản lý chất lượng với mức 130 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng, tư vấn và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…
Trong năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quyết định số 2684/ QĐ-UBND với mục tiêu có tối thiểu 4 doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng; 16 doanh nghiệp được hỗ trợ chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; 3 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên địa bàn tỉnh…