Đẩy mạnh hoạt động kết nối với đối tác nước ngoài để hợp tác đầu tư

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp khó khăn, việc thu hút nguồn vốn FDI là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kết nối với đối tác nước ngoài để hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: ndh.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: ndh.vn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7.2014, có tới 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, 16.813 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 242,4 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 118 tỷ USD. Trong ba năm gần đây, cơ cấu đầu tư tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất điện, nước và công nghiệp chế biến, chế tạo. Các đối tác dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam là  Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Riêng 10 quốc gia dẫn đầu trong việc đầu tư vào nước ta chiếm 80% tổng vốn đăng ký.

Theo nhiều chuyên gia, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng nguồn thu ngân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đồng thời, FDI cũng đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Chính vì vậy, để tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp FDI lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận các thông tin về đối tác đầu tư, lĩnh vực đầu tư; học hỏi doanh nghiệp nước ngoài về kinh nghiệm quản lý, phương thức kinh doanh; được chuyển giao công nghệ trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, chính sách hiện thời vẫn còn nhiều rào cản cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó có thể kể đến những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính. Hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư kinh doanh chồng chéo. Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn.

Đặc biệt, có quá nhiều giấy phép con gây khó khăn cho hoạt động đầu tư cũng là những nguyên nhân không nhỏ cản trở đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua. Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, khoảng 400 giấy phép con các loại, trong đó có 121 loại giấy phép kinh doanh, 81 loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 34 chứng chỉ hành nghề, 12 loại xác nhận vốn pháp định, 133 loại chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, và 17 các yêu cầu khác. Một số quy định hiện hành chưa phù hợp: chính sách ưu đãi đầu tư, quy định về quản lý lao động, chuyển giao công nghệ. Còn có khoảng cách lớn giữa các quy định pháp luật và việc thực thi chính sách ở các địa phương, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng có nhận định tương tự nhưng bổí sung thêm về vấn đề nợ xấu và nợ công là những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế, bởi vậy không thể để tắc nghẽn vĩ mô lâu hơn. Đối với nợ xấu, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt, triệt để để giải quyết một phần cơ bản nợ xấu trong vòng vài năm, bằng “tiền tươi, thóc thật”. Tìm nguồn tài chính bằng cách bán tài sản nhà nước (cổ phần hóa), vay nợ từ các tổ chức như IMF…

Đối với nợ công, cần tiếp cận xử lý hệ thống luật liên quan đến đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước theo cách đồng thời sửa Luật trong một thời gian ngắn… Vì vậy, để tận dụng được cơ hội phát triển cùng doanh nghiệp FDI, ông Thiên cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động tự nâng cấp doanh nghiệp về công nghệ, phương thức quản lý, văn hóa kinh doanh… để tăng cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động giao lưu tiếp xúc thông qua các cơ quan, tổ chức về xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế… để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đến các đối tác nước ngoài.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp FDI thì cần sửa lại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các pháp luật liên quan, cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng chính sách để thu hút FDI trong nông nghiệp. Rà soát để loại bỏ giấy phép con và giảm số lượng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.