Đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Thực hiện các tiêu chí cụ thể nhằm cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, thiết kế sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề.
Tăng trưởng tín dụng đạt mức cao
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại đang tập trung hỗ trợ hai nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Các cơ quan chức năng của thành phố đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hàng nghìn khách hàng doanh nghiệp, tiếp nhận và có kết quả xử lý đối với nhiều trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch COVID-19. Qua đó, triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo tinh thần “đồng hành cùng phát triển, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai “Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”. Năm 2022, có 14 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 434.280 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, xoay quanh mức 9%/ năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ…
Số liệu thống kê cho thấy, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Kết quả tăng trưởng này được nhận thấy gắn liền với 3 yếu tố thúc đẩy chính. Đó là, kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó các ngành, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như: xuất khẩu; chế biến lương thực thực phẩm; công nghiệp chế tạo; du lịch dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 8 tháng năm nay.
Theo đó, tất cả các chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện như: cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 nhóm ngành: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hay các chương trình cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCN - KCX; cho vay nông nghiệp và nông thôn và cho vay kích cầu đầu tư đều có dư nợ tăng trưởng. Riêng chương trình cho vay KCN - KCX tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, tăng 27,1% so với cuối năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng an toàn
Để tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang tập trung vào một số giải pháp quan trọng. Đó là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp. Làm tốt những việc này không chỉ mang lại hiệu quả tín dụng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, đến lãi suất và nguồn vốn huy động, trong bối cảnh tiềm ẩn những yếu tố gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.
Thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất, khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN cũng là mục tiêu quan trọng mà các tổ chức tín dụng đang hướng tới. Đồng thời, thành phố chú trọng phát triển các dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt để tăng trưởng bền vững.
Quá trình này thực hiện tốt không chỉ giúp tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn hỗ trợ và tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, tạo những chuyển biến cơ bản trong việc đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng tín dụng của TP. Hồ Chí Minh.