Chuyển đổi số cho doanh nghiệp: TP. Hồ Chí Minh huy động tổng lực hỗ trợ

Theo Đức Trí/daibieunhandan.vn

Chuyển đổi số là vấn đề cấp bách với các doanh nghiệp (DN) của TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 25% GRDP của thành phố và tăng lên mức 40% vào năm 2030. Năm 2022, kế hoạch đặt ra là đóng góp khoảng 15%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước mục tiêu đặt ra khá nặng nề, thành phố đang tăng cường đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNVVN) để nhanh chóng chuyển đổi số (CĐS).

CĐS nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN

Mới đây, Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) và Liên minh CĐS  (DTS) đã tổ chức lễ phát động Chương trình đồng hành CĐS và đổi mới sáng tạo năm 2022 với tên gọi chương trình Phát triển DN số - Go Digital. Chương trình nhằm hỗ trợ cho các DN sản xuất công nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ số, giúp lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN.

Chương trình hỗ trợ một cách bải bản cho trên 1.600 DN thuộc các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Cụ thể, chương trình Phát triển DN số - Go Digital cung cấp các thông tin liên quan đến xu hướng CĐS và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng như những bài học kinh nghiệm của các DN ứng dụng phần mềm trong quản lý sản xuất. Đồng thời, chương trình khảo sát và tư vấn cho DN, nằm trong chuỗi hoạt động.

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết, ngoài hoạt động trên, để hỗ trợ DNVVN, thành phố tập trung vào ba nhóm công việc chính. Thứ nhất là nâng cao nhận thức và năng lực kinh tế số cho các DN. Thực hiện những chương trình đào tạo trực tuyến để cung cấp thông tin trên các phương tiện, trong đó có cổng thông tin CĐS, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận.

Thứ hai là hỗ trợ cụ thể cho các DN trong việc tiếp cận một số công nghệ nền tảng để CĐS. Những công nghệ nền tảng này đến từ sự chung tay của các tập đoàn lớn cũng như các hiệp hội. Ví dụ, ứng dụng kế toán điện tử hay hóa đơn, văn phòng điện tử. Thành phố làm việc với các đơn vị cung cấp để có chi phí thấp, DN chỉ tốn từ vài trăm ngàn đến 1-2 triệu đồng/tháng. Như vậy đảm bảo các DN tiếp cận được những công nghệ này thay vì duy trì một đội ngũ công nghệ thông tin, phải đầu tư phần cứng, phần mềm.

Thứ ba là sẽ hoàn thiện các cơ sở pháp lý để hỗ trợ DN CĐS hiệu quả. Hiện nay, DN có thể sử dụng Quỹ phát triển KH&CN TP.Hồ Chí Minh để làm nguồn ngân sách thực hiện CĐS. DN cũng có thể được tư vấn giải quyết những vướng mắc, khó khăn khi CĐS thông qua Trung tâm hỗ trợ và tư vấn CĐS TP.Hồ Chí Minh. Hiện, trung tâm được xây dựng với mục tiêu cung cấp ít nhất 1.000 sản phẩm, giải pháp cho hoạt động CĐS và 100 mô hình CĐS ở các lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP.Hồ Chí Minh, trung tâm này hướng đến các hoạt động CĐS, bao gồm các hoạt động tư vấn với các chuyên gia lành nghề, hỗ trợ ứng dụng công nghệ bằng giải pháp cụ thể.

Huy động tổng lực các nguồn hỗ trợ

Nhiều DNVVN trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo thành phố cần nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn cho các DN trong hoạt động CĐS.

Một số DN cho rằng, nhóm đối tượng được hỗ trợ hướng đến là DN công nghệ thông tin và DN áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi. Nếu là các đơn vị sự nghiệp có thu thì cần sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học – công nghệ để CĐS. Nếu là DN tư nhân thì cần có nguồn vốn cụ thể hỗ trợ cụ thể.

“Các DN lớn sớm nhận thức được vai trò và áp dụng công nghệ số hơn các DNNVV. Nguyên nhân là do các DNVVN bị rào cản từ bên trong như tư duy, nhận thức, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, rủi ro rò rỉ dữ liệu, thiếu nhân lực, tâm lý phải thay đổi tập quán kinh doanh…Rào cản từ bên ngoài như khung pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ, tốc độ phát triển các DN cung cấp công nghệ chưa cao. Nhiều DN thậm chí không biết bắt đầu từ đâu để CĐS, bởi vậy họ cần những hỗ trợ rất thiết thực”, chị Cao Hồng Vân, giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, giám đốc quốc gia công ty Hitachi Systems Việt Nam, CĐS không chỉ hỗ trợ cho DN thay đổi công nghệ, sản phẩm mà còn là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Các ưu đãi về thuế thu nhập DN rất quan trọng, tạo điều kiện giúp DN tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do phần lớn các DN ở thành phố là vừa và nhỏ nên chính quyền cần hỗ trợ cơ chế tài chính để CĐS đúng, kịp thời, chính xác, tránh lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan mới đây đã nghe các sở ban nghành liên quan báo cáo về những giải pháp thiết thực hơn về vấn đề thúc đẩy CĐS. Phó Chủ tịch cho rằng, đây là vấn đề cấp bách, cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của CĐS trong DN. Qua đó, tìm kiếm mô hình CĐS phù hợp nhất cho DN đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và thành lập các tổ chức tư vấn, hỗ trợ lĩnh vực CĐS. Thành phố sẽ hiện thực hóa điều này bằng một kế hoạch huy động tổng lực các nguồn hỗ trợ, đầu tư CĐS cho DN đặc biệt là DNVVN và “siêu” nhỏ.