TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt hơn 80% dự toán chỉ sau 8 tháng
Thu ngân sách 8 tháng đầu năm của TP. Hồ Chí Minh đạt gần 312.000 tỷ đồng, bằng 80,69% dự toán và tăng 21,34% so với cùng kỳ 2021.
Thu ngân sách nhiều nhưng chi đầu tư thấp
Thông tin trên được Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm, chiều ngày 30/8.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại TP. Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước thực hiện 311.921 tỷ đồng, đạt 80,69% dự toán và tăng 21,34% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước trong 8 tháng đầu năm bị sụt giảm 12,3% thì TP. Hồ Chí Minh lại có mức tăng trưởng hơn 24% với số vốn đạt 2,71 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, thu ngân sách đạt gần 80,7% năm, nhưng thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng còn rất thấp. Tính đến hết ngày 26/8, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng trong tổng vốn gần 38.000 tỷ đồng được giao trong năm nay (đạt 23,8%). Đáng nói, trong tháng 8, TP. Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được gần 600 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân đề nghị TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án mang tính an sinh xã hội như chống ngập, các dự án y tế, giáo dục.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đang rất mong muốn được Quốc hội tăng tỉ lệ điều tiết, tăng vốn đầu tư công và thành phố cũng đang khát vốn, nhưng vốn trong kế hoạch thì lại không giải ngân tốt. “Phải làm cho được để chứng minh được khả năng hấp thụ vốn, sử dụng vốn tốt” – ông Ngân nhấn mạnh.
Lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, việc thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, mục tiêu tăng trưởng mà TP. Hồ Chí Minh đề ra cho năm nay từ 6-6,5% có thể vượt.
Tuy vậy, ông Phan Văn Mãi cũng đề cập đến đà sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, giải ngân đầu tư công thấp, hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, hoạt động ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xu hướng giảm giá trị sản xuất, xuất khẩu. Công tác phối hợp giữa các quận - huyện, sở - ngành vẫn còn nhiều vướng mắc.
Để tăng tốc những tháng cuối năm, ông Mãi cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng của TP. Hồ Chí Minh do Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng ban để có thể xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng thời gian qua.
Trong tháng 9, ông Phan Văn Mãi đề nghị tập trung cho công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh có tỉ lệ tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi vẫn còn thấp. Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai các công trình trọng điểm. Trong đó có 29 dự án giao thông, các dự án đô thị, chuyển đổi số, đô thị thông minh. Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9 phải giao được ranh để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, rà soát chỉ định thầu, rà soát các thủ tục khác… Đồng thời, chuẩn bị trình hồ sơ dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài.