Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Chuyển đổi cây trồng có sự liên kết bao tiêu của doanh nghiệp đang là chủ trương lớn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang hiện nay. Chủ trương này đang được các địa phương đẩy mạnh nhằm giúp nông dân cải thiện thu nhập, từng bước hình thành chuỗi liên kết khép kín để tạo ra sản phẩm chất lượng để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Còn nhiều trăn trở
Ba năm qua, cây khóm MD2 phát triển mạnh ở vùng đất Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Từ 4ha nay đã phát triển được 122ha với 64 hộ tham gia. Được Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood) cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm, đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm khóm với giá 5.700 đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí đầu tư bà con trồng khóm MD2 đạt lợi nhuận từ 17-19 triệu đồng/công.
Tuy nhiên khi hợp đồng đáo hạn, công ty xúc tiến hợp đồng mới có nhiều điều khoản thay đổi khiến cho nhiều nhà vườn trăn trở: Ông Nguyễn Văn Sỹ, nông dân trồng khóm ở xã Phương Bình, cho biết: “Sau khi hợp đồng đáo hạn, công ty xúc tiến hợp đồng mới có nhiều thay đổi làm cho nhà vườn trồng khóm lo lắng, như: Việc áp dụng phân loại kích cỡ, số lượng khóm thừa khả năng sẽ nhiều, việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thu chồi con cũng sẽ bị giới hạn khiến cho thu nhập của nhà vườn trồng khóm sẽ giảm”.
Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood) thời gian gần đây có sự điều chỉnh về bộ máy hoạt động ở phía Nam nên cũng có những điều chỉnh về việc phân loại kích cỡ cho nông sản khóm MD2. Sự thay đổi này bước đầu chưa có sự thống nhất cao từ phía người dân. Nên thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã tổ chức cho công ty gặp gỡ với người dân để cùng ngồi lại phân tích những cái được, chưa được từ việc phân loại để người dân và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong quá trình liên kết.
Ngoài cây khóm MD2, cây xoài cát lộc cũng là 1 trong 2 loại cây trồng được huyện Phụng Hiệp quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Theo định hướng phát triển huyện sẽ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng nguyên liệu xoài cát lộc khoảng 500ha, trước mắt giai đoạn 1 sẽ trồng trước 100ha. Sau khi tổ chức họp dân triển khai mô hình có 110 hộ đăng ký tham gia với diện tích 105ha. Qua thẩm định chỉ có 42ha đủ điều kiện trồng.
Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi tập đoàn cung cấp giống kéo dài nên nhiều hộ đã chuyển sang cây trồng khác. Hiện chỉ còn 23ha thống nhất triển khai mô hình, đến nay đã chỉ mới xuống giống được 3ha tại xã Hòa An.
Ông Trương Phan Khải - Phó Giám đốc Công ty dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, cho biết: Xoài cát lộc là giống xoài do Viện cây ăn quả Miền Nam lai tạo thành công từ giống xoài Vandyke của Mỹ và giống xoài cát Hòa Lộc của Việt Nam. Hiện nay, tập đoàn chỉ mới nhận nhượng quyền lại từ Viện cây ăn quả Miền Nam vào tháng 4/2022 nên nguồn cây giống còn giới hạn chưa đủ để cung ứng cho người dân, từ đó thời gian triển khai kéo dài hơn so với kế hoạch.
Đẩy mạnh khâu liên kết
Hiện nay, huyện Phụng Hiệp đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện sẽ cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với công nghệ 4.0.
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, nông nghiệp kết hợp du lịch. Xây dựng các nông sản chủ lực có thế mạnh, giá trị kinh tế cao, diện tích, quy mô đủ lớn, đủ điều kiện liên kết với doanh nghiệp và xuất khẩu như: khóm MD2, xoài cát lộc, chanh không hạt, lúa, cá thát lát, lươn và các sản phẩm đặc trưng của huyện.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025 huyện Phụng Hiệp sẽ phát triển vùng nguyên liệu khóm MD2 khoảng 2.500ha và 500ha xoài cát lộc, trong đó năm 2022 phát triển trước 100ha. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn phát sinh, việc phát triển diện tích chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Ông Lê Như Lê- Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, qua đó cũng góp phần thực hiện được mục tiêu đề ra, thời gian qua huyện đã tổ chức các buổi làm việc với nhiều công ty để tìm ra chính sách tối ưu cho việc liên kết. Đối với Tập đoàn Lộc Trời huyện cũng đã đề nghị tập đoàn điều chỉnh lại tiêu chuẩn về diện tích liền kề từ 1-2ha xuống còn 0,5ha để thuận lợi cho người dân tham gia mô hình.
Song song đó, sớm đẩy nhanh việc sản xuất cây giống để cung ứng cho bà con, những diện tích bà con đã đăng ký nhưng chưa có giống để trồng thì tập đoàn sẽ hỗ trợ các loại cây giống ngắn ngày để người dân sản xuất trong quá trình chờ cây giống. Còn đối với khóm MD2, thì huyện cũng đã làm việc với Công ty Westfood để điều chỉnh kích cỡ phân loại phù hợp với điều kiện của huyện Phụng Hiệp. Song song đó, tiếp tục vận động người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang trồng khóm MD2 để xây dựng vùng nguyên liệu theo kế hoạch đã ký kết.
Cũng theo ông Lê Như Lê, liên kết bao tiêu sản phẩm là yếu tố sống còn đối với ngành nông nghiệp, bởi vì có bao tiêu sản phẩm thì người dân mới an tâm sản xuất và có động lực để phấn đấu tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn về VietGAP hay GlobalGAP. Do đó, huyện sẽ nỗ lực duy trì sự liên kết này giúp nông dân và doanh nghiệp phát triển ổn định.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, Hậu Giang đã xác định tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu 5 sản phẩm chủ lực là lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn. Song song đó, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình mỗi xã một sản phẩm như: khóm, mãng cầu, mít ruột đỏ, xoài cát lộc, cây dược liệu, các loại rau quả có giá trị cao, có khả năng chế biến đa dạng sản phẩm, có thị trường xuất khẩu...
Ngoài ra, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại ở các vùng chuyên canh nông sản chủ lực để hình thành các chuỗi giá trị theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân (cung cấp đầu vào, chế biến, thương mại) liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường.
Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả và phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, nhất là doanh nghiệp chế biến rau quả. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nghiên cứu đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm lúa gạo, mít, lươn; thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân xây dựng quy trình chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản vươn ra ngoài tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho 5 nông sản chủ lực của tỉnh...