Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xuất khẩu: Thực tiễn từ tỉnh Hải Dương
Hải Dương nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, tỉnh Hải Dương vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu ở Hải Dương, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp xuất khẩu của Tỉnh trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong những năm gần đây giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Trong các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thì tỉnh Hải Dương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ xuất khẩu các mặt hàng nông có giá trị kinh tế cao và dần có thương hiệu ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Trong những năm qua, Hải Dương đã chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các loại nông sản chủ lực của Tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, sản xuất nông sản theo hướng xuất khẩu của Tỉnh vẫn bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả nghiên cứu các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu với thực tiễn nghiên cứu ở tỉnh Hải Dương; từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành thu thập các thông tin số liệu thứ cấp từ các sách báo, tạp chí có liên quan và số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, các báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Số liệu sau khi thu thập được nhóm tác giả sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh để phân tích và phản ánh thực trạng, những tồn tại bất cập trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu tại tỉnh Hải Dương; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh.
Kết quả nghiên cứu
Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hải Dương là một trong những tỉnh ở miền Bắc Việt Nam có nhiều loại nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn như các sản phẩm rau (cà rốt, bắp cải, xu hào, hành tỏi, rau gia vị…), cây ăn quả (vải thiều, nhãn, ổi, na, dưa hấu). Cùng với đó là trình độ thâm canh và quy mô vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm năng suất và chất lượng và xây dựng được thương hiệu trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu
Trong những năm gần đây, tỉnh Hải Dương xác định nông nghiệp là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh và định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại với mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng, quy hoạch và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt trong năm 2022, Tỉnh đã tổ chức các sự kiện như: Ngày 11/01/2022, cắt băng xuất khẩu cà rốt đi Hàn Quốc; Lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022; Lễ hội lúa - rươi hữu cơ Tứ Kỳ vụ xuân năm 2022; Lễ hội Vải thiều Thanh Hà năm 2022; Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”; Hội thi “Vải thiều Thanh Hà - Tinh hoa văn hóa xứ Đông”; Lễ hội “Mở vườn thu hái nhãn xuất khẩu năm 2022”; Phiên chợ “Nông sản, đặc sản vùng miền các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” để tổ chức quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp của Tỉnh… Nhờ những nỗ lực đó mà ngành nông nghiệp của Tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng đến xuất khẩu như: Vùng sản xuất vải chuyên canh tập trung hàng hoá; Vùng sản xuất nhãn; Vùng sản xuất ổi; Vùng sản xuất cà rốt; Vùng sản xuất bắp cải, su hào, súp lơ; Vùng dưa hấu tập trung hàng hoá…
Ngoài ra, để hỗ trợ xuất khẩu nông sản thì Tỉnh đã triển khai hỗ trợ quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, và các tiêu chuẩn xuất khẩu khác; Tiến hành xây dựng và hỗ trợ các thủ tục giấy tờ xin cấp mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Tỉnh. Năm 2020 và 2021 toàn Tỉnh được cấp 142 mã số vùng trồng trái cây gồm: vải, nhãn, chuối, dưa hấu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và 76 mã số cho cơ sở đóng gói xuất khẩu; Đầu năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu cho 20 vùng trồng rau của Tỉnh với tổng diện tích 163 ha, trong đó có 13 mã số cho vùng trồng cà rốt với tổng diện tích 128 ha và 7 mã số vùng trồng cải bắp với diện tích 35 ha. Cùng với đó, là gần 100 ha sản xuất rau gia vị đã được cấp mã số xuất khẩu châu Âu. Hải Dương là tỉnh đầu tiên được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm rau, củ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong năm 2022, tỉnh Hải Dương tiếp tục xây dựng được 49 vùng trồng tổng diện tích 640,5 ha; cấp được 116 mã số vùng trồng mới, 13 mã đang chờ phê duyệt; đã đề nghị cấp 12 mã số cho 05 cơ sở, hiện đã cấp 01 mã số, 11 mã còn lại đang chờ các nước nhập khẩu phê duyệt để hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Tỉnh đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Xuất khẩu một số nông sản chủ lực
Trong những năm qua, thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh Hải Dương đã chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản, mở rộng thị trường và bước đầu gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, bên cạnh thị trường trong nước, Tỉnh đã khai thông các thị trường tiềm năng quốc tế có giá trị kinh tế cao như:
- Vải thiều Thanh Hà đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại 17 quốc gia châu Âu và được ghi nhận trên bản đồ trái cây ngon nhất thế giới. Để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường vải xuất khẩu, trong năm 2022, Hải Dương đã tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha, thực hiện cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Cũng trong năm 2022, toàn Tỉnh đã xuất khẩu được 32 nghìn tấn vải trong đó có khoảng 18 nghìn tấn vải sớm xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Trung Đông, Malaysia...; khoảng 3 nghìn tấn vải sớm được xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… Vải thiều chính vụ xuất khẩu đi các thị trường cao cấp trên khoảng 3 nghìn tấn và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Trung Đông, Malaysia... khoảng 8 nghìn tấn (Hình 1) (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, 2022).
Hình 1: Cơ cấu sản lượng vải thiều của Hải Dương xuất khẩu đi các nước năm 2022
- Đối với sản phẩm rau, Tỉnh đã triển khai các vùng trồng rau tập trung, chất lượng cao và sản xuất rau theo các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong giai đoạn 2012-2022, sản lượng rau xuất khẩu của Hải Dương đã phát triển khá nhanh. Đặc biệt, năm 2022, tổng sản lượng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu khoảng 75 nghìn tấn. Trong đó, một số thị trường xuất khẩu tiêu biểu như: Hàn Quốc khoảng 20 nghìn tấn; Nhật Bản khoảng 15 nghìn tấn; Malaysia khoảng 15 nghìn tấn; Trung Đông (Dubai), Singapore, Thái Lan, Campuchia khoảng 5 nghìn tấn; một số thị trường mới cao cấp như: Mỹ, EU 1 nghìn tấn… Trong đó, các sản phẩm rau chủ lực được ngành nông nghiệp của Tỉnh thống kê như cà rốt, bắp cải, xu hào, hành củ có sản lượng xuất khẩu khá lớn. Điển hình là cây cà rốt có sản lượng xuất khẩu đạt hơn 68% sản lượng sản xuất ra; cây bắp cải và su hào có sản lượng xuất khẩu đạt hơn 10 nghìn tấn và gần 13% sản lượng sản xuất ra trong năm 2022 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, 2022).
Ngoài sản phẩm vải thiều và một số sản phẩm rau xuất khẩu lớn của Hải Dương, thì trong những năm qua các sản phẩm nông sản khác của Tỉnh cũng đã từng bước được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và mã số vùng trồng để xuất khẩu như: nhãn, ổi, dưa hấu, gạo nếp cái hoa vàng, hành, tỏi, rau gia vị… được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Đài Loan, EU, Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN… Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm nhãn của TP. Chí Linh đã được xuất khẩu đi Mỹ, EU và Singapore… với sản lượng ước đạt khoảng 100 tấn. Sản lượng dưa hấu xuất khẩu của tỉnh Hải Dương năm 2022 là khoảng 10 nghìn tấn với thị trường chủ yếu là Trung Quốc (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, 2022).
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu kết quả đạt được trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu của tỉnh Hải Dương còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập như:
Thứ nhất, tỷ lệ sản lượng các loại cây trồng xuất khẩu tuy có tăng lên qua từng năm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với sản lượng rau sản xuất ra đặc biệt là đối với cây rau và cây ăn quả, điều này đôi lúc gây ra hiện tượng thừa cung, gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ sản phẩm và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nông dân.
Thứ hai, việc quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn để tạo điều kiện xây dựng và cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, triển khai và hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các vùng sản xuất tập trung còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, diện tích các loại cây trồng được cấp mã số vùng trồng còn rất ít so với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh nên chưa thực sự mang lại hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào các thị trường chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Thứ tư, chưa xây dựng và hình thành được các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết xuất khẩu nông sản từ việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ quy trình sản xuất, kiểm tra giám sát sản xuất và bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản xuất khẩu vẫn chủ yếu thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn từ các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không trực tiếp nhập nông sản từ các cơ sở sản xuất mà chủ yếu lấy từ các xưởng thu mua (sơ chế, chế biến, kho lạnh… trong và ngoài tỉnh).
Thứ năm, việc tổ chức sản xuất nông sản xuất khẩu còn manh mún, sản xuất vẫn theo quy mô hộ nông dân, mạnh ai nấy làm dẫn đến chất lượng nông sản thương phẩm không đồng đều, thiếu liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất chưa tập trung nên gây khó khăn cho quá trình thu mua, sơ chế, chế biến đề xuất khẩu.
Thứ sáu, việc sản xuất nông sản của tỉnh Hải Dương chủ yếu là sản xuất trực tiếp trên đồng ruộng nên bị ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Giải pháp đề xuất
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp xuất khẩu phù hợp với bối cảnh hiện nay, trong thời gian tới tỉnh Hải Dương cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, ngành Nông nghiệp của tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh quy hoạch, quản lý quy hoạch và tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn ở các địa phương có các sản phẩm thế mạnh, chủ lực có thể cạnh tranh được với các địa phương khác và có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP… để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Hai là, chính quyền địa phương cần có các chính sách hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp vào thu mua nông sản cho người nông dân như: quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ kiểm tra, giám sát và quản lý quy trình sản xuất của người nông dân để tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, các sản phẩm cùng chủng loại, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu cho các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản. Đồng thời, chú trọng huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu.
Ba là, các địa phương cần đầu tư và hỗ trợ phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Thực hiện cơ cấu lại theo định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu thị trường tiêu thụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Bốn là, chính quyền địa phương cần quan tâm công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế gắn với quy trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tạo nhiều giá trị khác biệt nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp.
Năm là, tỉnh Hải Dương cần đa dạng hoá thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, đây là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với đó, duy trì và phát triển thị trường truyền thống.
Đồng thời, nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.
Thứ sáu, hoạt động hỗ trợ xuất khẩu nông nghiệp của Tỉnh cần kịp thời và đi vào thực chất. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm như vải, nhãn...
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), Báo cáo tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam năm 2022;
- Cục Thống kê tỉnh Hải Dương (2022), Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2021
- Tổng cục Hải quan (2022), Số liệu xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản của Việt Nam năm 2022;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương (2022), Báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương niên vụ 2021-2022;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương (2023), Báo cáo tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương niên vụ 2022-2023;
- Phan Huy Đường (2006), Tiêu thụ nông sản ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Sách chuyên khảo;
- Trịnh Thị Ái Hoa (2000), Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội;
- Linh Giang (2022), Hải Dương sản xuất nông nghiệp đứng thứ 2 toàn quốc, https://vov.vn/kinh-te/hai-duong-san-xuat-nong-nghiep-dung-thu-2-toan-quoc-post917724.vov;
- Nam Anh (2022), Nông sản Hải Dương hướng tới thị trường xuất khẩu, https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/Nong-san-Hai-Duong-huong-toi-thi-truong-xuat-khau-i282377/