Giải pháp tài chính đối với khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp, Nghệ An cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tài chính đối với khoa học công nghệ.
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An những năm qua cho thấy, ngành Nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế địa phương. Nghệ An là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi và có nhiều thế mạnh cho phát triển kinh tế nông nghiệp, tuy nhiên, do tính chất sản xuất nhỏ, thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mức trang bị kỹ thuật thấp... nên ngành Nông nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp, Nghệ An cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tài chính đối với khoa học công nghệ.
Vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp
Khoa học công nghệ (KHCN) đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Khác với các ngành khác, sản xuất nông nghiệp không chỉ phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mà còn chịu ảnh hưởng bởi sự khan hiếm của các yếu tố nguồn lực. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế như sản xuất manh mún, hiệu quả canh tác thấp… việc ứng dụng KHCN vào sản xuất được coi là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; đồng thời, khắc phục được những hạn chế của điều kiện tự nhiên.
Trong thực tế, nguồn tài nguyên của nhiều quốc gia nghèo nàn nhưng lại có nền nông nghiệp rất phát triển nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất như Israel, Hà Lan... Ứng dụng KHCN, người sản xuất sẽ hạn chế được những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, chủ động hơn trong hoạt động nông nghiệp, tạo ra được những giống cây trồng, vật nuôi tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm thiểu chi phí sản xuất góp phần cải tiến, hoàn thiện các phương thức canh tác, hạn chế những rủi ro so với phương thức sản xuất truyền thống.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ví thương mại là “đôi chân” để đưa nông sản tiến xa hơn trên thị trường thì KHCN được coi là “xương sống” để ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản”. KHCN được coi là nền tảng quan trọng đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp trong xu hướng Cách mạng công nghệ 4.0. Việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN góp phần hiện đại hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp (từ đầu vào đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản), đây là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Điều này, đòi hỏi cần có giải pháp tài chính để thúc đẩy các chủ thể nhanh chóng ứng dụng tiến bộ KHCN để khắc phục hạn chế của điều kiện tự nhiên, nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chính sách tài chính đối với khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An
Nhận thức được vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Nghệ An đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động này, tiêu biểu như: Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự thủ tục hưởng chính sách ưu đãi, tiêu chí thủ tục công nhận dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025... với một số nội dung ưu đãi có liên quan đến phát triển KHCN trong nông nghiệp, cụ thể:
- Ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, thiết bị và phương thức sản xuất tiên tiến.
- Hỗ trợ chi phí mua giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tiên tiến: hỗ trợ cây chè với mức 1.500 đồng/bầu chè tuyết san, giống chè chất lượng cao với 400 đồng/bầu; cây ăn quả giống mới với mức 5.000 đồng/bầu giống cam, quýt, chanh leo; 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen; hỗ trợ giống đối với lợn ngoại, cải tiến giống trâu bò...
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí để tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, các nội dung chương trình tập huấn chủ yếu là chăm bón lúa, chăm sóc lợn, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
- Hỗ trợ 20% giá trị máy cấy, máy gieo mạ; 20% máy thu hoạch mía cho các hộ gia đình, hợp tác xã và công ty mía đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mỗi năm bố trí 1 máy/vùng nguyên liệu mía. Hỗ trợ 1 máy thông tin tầm xa, hỗ trợ mua máy dò ngang khai thác thủy sản khơi xa...
Giai đoạn 2017-2021, tổng chi NSNN cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 102,303 tỷ đồng. Quy mô chi NSNN cho lĩnh vực này có sự gia tăng qua các năm, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12%/năm. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và nâng cao chuỗi giá trị. Trong 5 năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thành công các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, chuỗi giá trị sản phẩm, tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt; đẩy mạnh nuôi trồng, nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến thuỷ sản, bảo tồn nguồn gen, phát triển các sản phẩm đặc hữu. Đến nay, có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương được tác động về KHCN. KHCN trong các lĩnh vực này đã hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ các công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của Tỉnh.
Các đề tài tập trung phát triển một số cây, con chủ lực theo nhiều hướng tác động khác nhau như: Nhân giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy sản nước ngọt và nước lợ; sử dụng tiến bộ giống và biện pháp canh tác trong sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; nhân giống sạch bệnh, phân bón, sản xuất thương phẩm và bảo quản cây ăn quả; áp dụng các tiêu chuẩn quản lý an toàn trong cây rau, cây chè, cây cam; phục tráng, bảo tồn một số đối tượng cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và vật nuôi có giá trị... Các nghiên cứu đều được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, năng suất cây trồng, vật nuôi tại tỉnh Nghệ An đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã quan tâm về công tác hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, phương thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại tỉnh Nghệ An được thực hiện chủ yếu thông qua công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình trình diễn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người nông dân. Tổng chi NSNN cho chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2021 đạt 36,565 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng mô hình là 22,923 tỷ đồng chiếm 63,7% và kinh phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là 13,642 tỷ đồng chiếm 37,3%.
Thông qua các kết quả của những mô hình nói trên, đã góp phần quan trọng trong việc đưa KHCN vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về vai trò của KHCN trong sản xuất, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chi NSNN cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng chi NSNN. Tổng chi NSNN cho phát triển KHCN trong 5 năm qua ở Nghệ An đạt khoảng 102,303 tỷ đồng, thấp hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Theo khảo sát của tác giả thì có 50,93% ý kiến được hỏi cho rằng, mức độ đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho KHCN hiện nay đang ở mức thấp và 82% cho rằng mức vốn đầu tư cần tăng trong thời gian tới.
Các nội dung chi NSNN cho KHCN chủ yếu tập trung vào khâu nuôi, trồng, nghiên cứu, ứng dụng giống mới mà chưa chú trọng đến khâu chế biến và bảo quản chất lượng nông sản. Tỷ trọng cho xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp còn thấp trong cơ cấu chi NSNN, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng. Công tác hỗ trợ chuyển giao KHCN từ các cơ quan nghiên cứu hay hợp tác với các cơ quan nghiên cứu đối với doanh nghiệp tư nhân còn ít đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phạm vi và mức độ tác động của chi NSNN đối với yếu tố KHCN, người dân vẫn sản xuất thủ công, manh mún, thiếu máy móc, phương tiện kỹ thuật KHCN phục vụ cho sản xuất.
Giải pháp tài chính đối với khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An
Thứ nhất, cần tăng cường nguồn vốn NSNN cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN cho phát triển nông nghiệp trong đó ưu tiên nguồn vốn NSNN đầu tư phát triển hạ tầng KHCN, phát triển hệ thống nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ chế biến nông lâm thủy sản.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn NSNN hạn chế, mỗi đồng vốn cho hoạt động nghiên cứu KHCN cần được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng thất thoát gây lãng phí. Vì vậy, nhằm đảm bảo việc nghiên cứu KHCN sát với thực tiễn nhu cầu sản xuất và thị trường, tỉnh Nghệ An cần triển khai bắt buộc các sản phẩm KHCN sử dụng nguồn vốn NSNN phải có người thụ hưởng, chấp nhận kết quả nghiên cứu. Đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng tự trang trải một phần kinh phí hoạt động thông qua chuyển giao bán bản quyền các kết quả nghiên cứu theo các đơn đặt hàng. Nguồn vốn NSNN hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện những nghiên cứu cơ bản mang tính chất áp dụng đại trà, còn những nghiên cứu ứng dụng có tính thực tiễn cao chủ yếu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Thứ ba, thực hiện chi NSNN hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo và chuyển giao KHCN cho các chủ thể sản xuất đặc biệt là người nông dân; đầu tư kinh phí để các nhà khoa học trực tiếp tham gia hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân vận dụng tại địa điểm sản xuất của mình. Để hoạt động này có hiệu quả, cần có cơ chế và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho người nông dân khi được chuyển giao công nghệ sản xuất.
Thứ tư, hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Để khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư, đổi mới trang thiết bị nên tăng mức đầu tư từ NSNN để hỗ trợ mua sắm đổi mới máy móc thiết bị từ mức 20% hiện tại lên mức 30 - 40% tùy thuộc vào sự cần thiết của các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Bố trí một phần nguồn vốn NSNN hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án nghiên cứu đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An (2020), Báo cáo thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2017 – 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An;
Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2017 – 2022;
Đinh Phi Hổ (2003), Kinh tế nông nghiệp - lý thuyết và thực tiễn, NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.