Định hướng hoàn thiện chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Lê Vũ Thanh Tâm

Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hướng đến nông nghiệp xanh thông qua việc áp dụng các công cụ thị trường, đặc biệt là chính sách thuế nhằm điều tiết hoạt động của hộ nông dân theo đúng định hướng phát triển bền vững. Bài viết phân tích, đánh giá chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất định hướng thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách thuế giữ vị trí quan trọng trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, Nhà nước cần tối ưu mức độ tác động của các công cụ thuế ngăn ngừa sử dụng sản phẩm gây nguy hại cho môi trường cũng như tăng cường ưu đãi đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chi Kinh tế và Dự báo
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chi Kinh tế và Dự báo

Đặt vấn đề

Sau gần bốn mươi năm Đổi mới, sự tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng cơ bản vẫn dựa chủ yếu vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Điều nay gây áp lực lên chất lượng môi trường cùng với quá trình phát triển bền vững đất nước. Nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng xanh hoá, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Chính phủ đã được thiết kế và ban hành, trong đó phải kể đến công cụ thuế. Bài viết phân tích, đánh giá chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách này giai đoạn tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách thuế giữ vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ngành Nông nghiệp hướng tới thân thiện môi trường. Để khắc phục một số hạn chế, nâng cao hiệu quả chính sách thuế hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, Nhà nước cần tăng cường ưu đãi đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Thực trạng chính sách thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xanh, chính sách thuế hiện hành đã có những quy định nhằm hạn chế nguy cơ gây hại với môi trường và chú trọng khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hạn chế nguy cơ gây hại của sản phẩm nông nghiệp đối với khí hậu, môi trường

Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT): Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 và Biểu Thuế BVMT tại Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012 quy định việc đánh thuế vào một số sản phẩm mà quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu trữ và tiêu dùng có những tác hại nhất định đến môi trường sinh thái. Trong đó, có một số sản phẩm liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Điều này góp phần thay đổi nhận thức của con người trong sử dụng các loại hóa chất vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh theo xu hướng của thế giới.

Thuế Tài nguyên: Từ ngày 01/01/2015, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 thì “nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế tài nguyên. Bên cạnh đó, mức thuế suất thuế tài nguyên đối với gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác được điều chỉnh giảm từ 15% xuống 12% theo tinh thần Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường

Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN): Luật Thuế TNCN 04/2007/QH12 ban hành ngày 21/11/2007, Luật Thuế TNCN sửa đổi 26/2012/QH13 ban hành ngày 22/11/2012 cùng các văn bản liên quan quy định các khoản thu nhập được miễn thuế, trong đó có thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ. Quy định này góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho người nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xanh.

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Về các ưu đãi miễn, giảm thuế, Luật thuế TNDN hiện hành có quy định áp dụng miễn thuế với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm ngh địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Luật Thuế TNDN còn quy định về việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp và phần thu nhập trước thuế được trích lập để hình thành Quỹ này không phải tính thuế TNDN. Quy định này đã khuyến khích các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng trong việc trích lập và sử dụng nguồn vốn để phục vụ cho các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là trong điều kiện bước đầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Thuế Giá trị gia tăng (GTGT): kể từ ngày 01/01/2015, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 thì phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Từ ngày 01/7/2016, Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Thuế xuất, nhập khẩu: Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành đã quy định miễn thuế đối với các hàng hóa là giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ cũng được quy định miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Thuế sử dụng đất nông nghiệp: Theo Nghị quyết 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kéo dài đến hết ngày 31/12/2025 đối với các đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

Tác động của chính sách thuế đối với sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Chính sách thuế hỗ trợ nông nghiệp xanh ở Việt Nam đã có những đóng góp tích cực với ngành Nông nghiệp trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Cụ thể:

Các quy định hạn chế nguy cơ gây hại của sản phẩm nông nghiệp đối với khí hậu, môi trường.

Năng suất sử dụng tài nguyên - môi trường của nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng xanh hơn. Phát thải khí Carbon (CO2) có xu hướng giảm liên tục từ năm 2015, giảm trung bình 0,1%/năm. Đồng thời, tính đến năm 2022, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiết kiệm được 30%-50% lượng giống, 30%-40% phân bón hóa học, 30% lượng thuốc trừ sâu, 20%-30% công lao động, trong khi năng suất lúa tăng 10%-15% và lợi nhuận cũng tăng 10%-20%. Từ nguồn vốn do bộ, ngành, địa phương quản lý và các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu; trong giai đoạn 2011-2022, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Các quy định khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường.

Những điều chỉnh về chính sách ưu đãi thuế đã tạo động lực tốt trong việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường.

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp, nông thôn, trong năm 2022, 1.669 chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn được xây dựng với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, duy trì kiểm tra mẫu nông - lâm - thủy sản sau thu hoạch, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phấp thấp (2,7%) với 99,2% cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, không có lô hàng thực phẩm xuất khẩu nào vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm soát sản phẩm nhập khẩu… góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước và xuất khẩu; củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53.350 ha (năm 2016) lên khoảng 240.000 ha (năm 2022); với sự tham gia của gần 20.000 lao động tại 46/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sau 10 năm, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ của nước ta tăng trên 223.000 hecta. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế lớn như: Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc...

Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu có có hiệu quả kinh tế được phát triển, như: nhờ phát triển mạnh chăn nuôi lợn, gà đồi ăn chuối thành công, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đã “thoát cửa tử” nhờ chính từ lĩnh vực nông nghiệp. Các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm chỉ đạo, nông dân có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, nhờ vậy hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) tăng 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.

Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 hecta, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 hecta cây ăn trái như nho, táo, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 hecta. Bên cạnh đó, đã có một số địa phương sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ); Cà Mau, Lâm Ðồng (tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA). Diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước đến nay là gần 1.000 hecta.

Song song với những tác động tích cực, các quy định ưu đãi thuế điều tiết hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh hóa bộc lộ nhiều khiếm khuyết với nội dung quy định là còn chung chung, chưa chi tiết, rõ ràng các tiêu chí liên quan nông nghiệp xanh. Mức độ ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực BVMT hiện nay còn chưa cao. Tỷ lệ DN nông nghiệp hưởng ưu đãi thuế. Theo kết quả khảo sát về Chính sách miễn, giảm, giãn thuế của chính phủ đối với DN nông lâm thủy sản và dịch vụ thương mại tham gia chuỗi giá trị thực hiện năm 2021 của Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ có 25,6% DN nông nghiệp, 25,7% DN lâm nghiệp, 29,7% DN thủy sản, và 27,5% DN dịch vụ thương mại được hưởng các chính sách miễn, giảm, dãn thuế nêu trên.

Khuyến nghị hoàn thiện chính sách thuế đối với sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Để chính sách thuế phát huy tốt nhất vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam thời gian tới, một số khuyến nghị được đưa ra như sau:

Thứ nhất, chính sách thuế phải bao quát đầy đủ, chi tiết tất cả các nội dung của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là yêu cầu tiên quyết đặt ra cho chính sách thuế khi thực hiện các mục tiêu điều tiết kinh tế. Khi các yếu tố kinh tế - xã hội đã được quản lý, quy định đầy đủ trong chính sách thuế, Nhà nước mới có thể sử dụng chính sách thuế để điều tiết theo các chiều hướng khác nhau như điều chỉnh, kích thích hoặc hạn chế để tác động đến lợi ích của các chủ thể kinh tế vì lợi ích của toàn xã hội.

Thứ hai, chính sách thuế phải có các quy định và ưu đãi riêng đối với khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có khả năng cạnh tranh với các nguồn nguyên liệu hóa học vô cơ khác. Cơ chế ưu đãi có được thực hiện thông qua việc không tính thuế hoặc áp dụng mức thuế suất thấp ở thuế Nhập khẩu, thuế GTGT và áp dụng thêm các ưu đãi, miễn giảm về thuế TNDN, thuế TNCN đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu sinh học này.

Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chính sách thuế tiếp tục thực hiện miễn thuế TNDN, miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ các hoạt động này. Đối với các sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở này cũng cần được đối xử thuận lợi về nghĩa vụ thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN trong các khâu kinh doanh) để đảm bảo khả năng cạnh tranh với các loại nông sản khác.

Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất hỗ trợ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao cũng cần được hưởng các ưu đãi về thuế (ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN, TNCN) để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các nguồn lực cần thiết cho nền sản xuất nông nghiệp xanh.

Thứ ba, xây dựng danh mục các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp một cách đầy đủ, chi tiết, rõ ràng và sử dụng các quy định của chính sách thuế nhằm thực hiện việc hạn chế này. Từ đó, áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế BVMT tương thích với mức độ tác hại đến môi trường của đầu vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời không áp dụng các trường hợp ưu đãi, miễn giảm về thuế TNDN, thuế TNCN đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm hóa chất gây tác động không tốt đối với con người và môi trường.

Thứ tư, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ giữa chính sách thuế với các chính sách phát triển nông nghệp khác, củng cố sự đồng thuận của xã hội trong việc ban hành và thực thi các chính sách. Đây là một nội dung quan trọng cần quan tâm đến trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách thuế nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch ở Việt Nam.

Kết luận

Tóm lại, thời gian qua, chính sách thuế khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ngành Nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh. Để khắc phục một số hạn chế, nâng cao hiệu quả những chính sách này, Nhà nước cần tối ưu khả năng huy động đồng thời nguồn lực trong nước và quốc tế trên nền tảng kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai trong giai đoạn vừa qua và bài học từ các nước đi trước trong lĩnh vực nông nghiệp xanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 và các văn bản liên quan;
  2. Luật Thuế gá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và các văn bản liên quan;
  3. Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 và các văn bản liên quan;
  4. Luật Thuế thu nhập cá nhân 04/2007/QH12 và các văn bản liên quan;
  5. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 và các văn bản liên quan;
  6. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số số 107/2016/QH13 và các văn bản liên quan;
  7. Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế
  8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13
  9. Châu Tấn Phát (2022), Nông nghiệp hữu cơ: Thực trạng và một số hướng phát triển tại Việt Nam. Tạp chí Mặt trận, số tháng 02/2022.