Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020
Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nhìn chung tiến độ vẫn còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối... Do vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác này trong giai đoạn 2016-2020.
Tiến độ chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp
Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh về số lượng, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, hiệu quả hoạt động của DNNN và DN sau cổ phần hóa được nâng lên. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ...
Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các DN.
Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, khiến dư luận và người dân không khỏi băn khoăn.
Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN ban hành chậm so với kế hoạch đề ra.
Chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị DN và giá khởi điểm của DNNN cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập.
Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và DN có vốn nhà nước chưa có hiệu quả; chưa tách được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước...
Thống kê cho thấy, năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 DN (giải thể 10 DN, phá sản 1 DN, bán 1 DN).
Theo báo cáo số 31/BC-BĐMDN về tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN và triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong tháng 01/2017 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác với giá trị sổ sách 6 tỷ đồng, thu về 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 1/2017 cả nước chưa thực hiện sắp xếp được DN nào.
Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020
Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cần xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và DNNN, đồng thời, ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trong quý I/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định: số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ. Trong đó, quy định nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định vốn, tài sản nhà nước tại DN để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược...
Trong quý II/2017, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN theo hướng mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như: Đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán; Bổ sung quy định về việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 02/2017 trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN. Trong quý I/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần.
Trong quý II/2017, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của DN. Các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động của DNNN cho phù hợp với các luật mới được ban hành và yêu cầu thực tiễn đề ra.
Trong quý I/2017, xây dựng danh mục DNNN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo từng năm (giai đoạn 2017-2020), trong đó có lộ trình xác định giá trị DN cho từng DN thực hiện cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN; Xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng DN; Nghiên cứu, xác định giá trị thương hiệu vào giá trị DN khi cổ phần hóa. Các DNNN cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng...
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; Kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; Có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kiện toàn bộ máy quản lý, đặc biệt phải kiện toàn ngay đối với bộ máy quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có hiệu quả; Bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng được yêu cầu... Đặc biệt, xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các Phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN và người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có vốn góp nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, DNNN theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ hàng quý, năm, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện...