Tập trung thực hiện các dự án đầu tư công kết thúc trong năm 2021

Trần Huyền

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn chậm, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện là thúc đẩy triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2021.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tiến độ giải ngân vẫn chậm

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 trong 7 tháng đầu năm đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 40,67%. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38% (cùng kỳ năm 2020 là 44,05%); vốn nước ngoài đạt 7,52% (cùng kỳ năm 2020 đạt 17,15%).

Đến hết tháng 7/2021, chỉ có 11 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch. Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (71,04%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Hưng Yên (65,64%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Văn phòng Quốc hội (52,96%), Kiểm toán Nhà nước (49,79%). Còn lại hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 34/50 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%.

Một số dự án trọng điểm của cả nước cũng có tiến độ giải ngân chậm. Điển hình là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính từ năm 2018 đến nay, Dự án này đã giải ngân 10.690 tỷ đồng, đạt 46,77% kế hoạch đã giao. Trong đó, so với kế hoạch năm 2021, đã giải ngân là 835,6 tỷ đồng, đạt 17,93%.

Một dự án khác là xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, số vốn giải ngân đến hết ngày 22/7/2021 là hơn 14.937,8 tỷ đồng, đạt 46,4% kế hoạch năm 2021 được giao. Trong đó, tình hình thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch vào năm năm 2021 do một số nguyên nhân như bão lũ khu vực miền Trung năm 2020, dịch COVID-19, khó khăn trong nguồn vật liệu đất đắp và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu.

Ba dự án được chuyển đổi theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 (đoạn Mai Sơn - QL45; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) có tiến độ thực hiện các gói thầu đến nay chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu đất đắp nền đường.

Thúc đẩy thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân

Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, trong đó có các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bất cập trong công tác đấu thầu. Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài thì việc chậm trễ giải ngân còn do vướng mắc trong khâu giao kế hoạch và phân bổ chi tiết; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay; sự chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án, xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện 03 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2021.

Theo đó, các cơ quan chủ quản, chủ dự án chịu trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đấu thầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chủ quản dự án rà soát, đôn đốc chủ dự án và phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước hoàn thiện hồ sơ thanh toán, gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với khối lượng đã được kiểm soát chi, không để dồn đến cuối năm.