Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT); chủ động phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống giám định điện tử.
Hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam
Đánh giá về kết quả chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2022, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, năm qua, việc chuyển đổi số của ngành BHXH đã đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng và các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngay từ khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức.
Tính đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 60 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhằm triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp.
Đến hết tháng 11/2022, toàn quốc có trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh BHYT, chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc, với hơn 3 triệu lượt tra cứu, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia chính sách này.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh BHYT; đồng thời giúp quản lý tốt Quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT.
Công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chíp đang được triển khai tại 5 cơ sở khám chữa bệnh BHYT của TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Bình.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tính năng hữu ích trên ứng dụng VssID - BHXH số.
Hiện toàn quốc có hơn 29 triệu tài khoản đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng; hơn 1,8 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để đi khám chữa bệnh BHYT.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, tất cả các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng sách BHYT.
“Việc thực hiện trên không gian số cũng giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.
Những lợi ích đó cho thấy, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người thụ hưởng, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết.
Giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHYT cho người tham gia
Để nhân lên những kết quả đạt được, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu chỉ tiêu thực hiện BHYT đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95,15% dân số, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; đồng thời, cơ quan BHXH sẽ tập trung giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHYT cho người tham gia.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện bảo đảm sát yêu cầu, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
BHXH tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn, mở rộng diện bao phủ BHYT, ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHYT, bảo đảm cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn một cách bền vững.
Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh; quan tâm nhiều hơn đến đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã để thu hút người có thẻ BHYT đến khám, điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện BHYT.
Tăng cường giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; áp dụng quy trình giám định BHYT mới gồm hai phương pháp chủ động và tự động; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở KCB BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống giám định điện tử.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT…