Đẩy mạnh xuất khẩu, cách nào ?

.

Nhìn chung, kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn giữ được đà tăng trưởng khá cao là 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại và tình hình này có thể sẽ tiếp diễn trong 2 tháng cuối năm.

Nguyên nhân và thực trạng

Theo Bộ Công thương, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu diễn ra ngày càng trầm trọng, nảy sinh tình trạng thu hẹp tiêu dùng ở các thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị ảnh hưởng. Trước hết, thị trường Hoa Kỳ-vốn là một trong những thị trường “nặng ký” nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam đã thu hẹp trung bình khoảng 20%. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta cũng giảm khá mạnh trong tháng 10: cà phê 20%, gạo 10%, cao su 30%, dầu thô 40% so với quý III, gây tình trạng giảm sút về tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Lãi suất cho vay của ngân hàng tuy đã giảm khoảng 3% so với mức cũ nhưng vẫn còn cao, chưa thể tạo ra “cú hích” tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, việc đình hoãn hoặc giảm tiến độ thực hiện các dự án, công trình cũng như việc suy giảm đầu tư tại cả khu vực công và tư, giảm tốc độ tăng trưởng một số ngành công nghiệp cũng làm cho khả năng xuất khẩu chậm lại. Hiện không ít DN rơi vào tình trạng kẹt vốn, khó tiêu thụ sản phẩm hoặc thiếu, mất thị trường xuất khẩu, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ, DN ngoài quốc doanh.

 

Nhìn từ phía các ngành hàng càng thấy rõ những khó khăn không nhỏ. Cụ thể, ngành dệt may đang xảy ra hiện tượng thiếu việc làm cục bộ, cắt giảm đầu tư, trong khi chi phí gia tăng do giá cả thị trường trong nước tăng cao. Dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ chậm lại, ảnh hưởng cả đến năm 2009. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản mới đạt hơn 3,8 tỷ USD, không đạt kết quả như mong muốn vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến. Đó là hậu quả trực tiếp từ việc ngư dân “nằm bờ” khá nhiều do hậu quả thiên tai cũng như chi phí đi biển tăng cao. Ngành sản xuất máy tính và linh kiện điện tử dự báo, dù rất cố gắng và huy động hết khả năng, năm nay kim ngạch xuất khẩu chỉ có thể đạt 2,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 3,5 tỷ USD.

 

Tích cực tháo gỡ

Từ thực tiễn và trên cơ sở đánh giá khả năng xuất khẩu, Bộ Công thương nhận định, từ nay đến hết năm, tình hình xuất khẩu sẽ diễn ra gần giống như tháng 10, tức là kim ngạch xuất khẩu của các tháng 11 và 12 sẽ đạt trung bình khoảng hơn 5 tỷ USD/tháng. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 sẽ đạt khoảng 64 tỷ USD, tăng 32% so với năm ngoái.

 

Trước sức ép về yêu cầu thực hiện kế hoạch, Bộ Công thương đã nhiều lần họp với các hiệp hội, DN lớn để bàn giải pháp hỗ trợ, tăng cường xuất khẩu. Theo đó, tùy khả năng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền đồng Việt Nam nhằm kích cầu, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Các bộ, ngành đề nghị ưu tiên cấp tín dụng và bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, tranh thủ đẩy mạnh xuất nông sản chế biến sang thị trường Nga, các nước Đông Âu. Bộ Công thương khuyến cáo các đơn vị không nên “bỏ trứng vào một giỏ” - tức là quá chú trọng hoặc phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường để đề phòng sự đổ vỡ về nhu cầu nhập khẩu của họ một cách bất ngờ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thâm nhập nhanh vào các thị trường mới, thị trường ngách, hướng tới một số thị trường ở Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Nam Âu. Các cơ quan đại diện thương vụ ở nước ngoài gia tăng thu thập, xử lý và gửi thông tin thị trường để định hướng cho DN trong nước; tăng cường chất lượng thông tin dự báo, chỉ dẫn và cảnh báo những nguy cơ vướng vào những rào cản kỹ thuật từ phía nước ngoài để hỗ trợ DN.

 

Các ngành hàng cũng nêu một số kiến nghị như: Nhà nước nên hỗ trợ, có chính sách thuế hợp lý để DN chế biến-xuất khẩu thủy sản chống “đói” nguyên liệu bằng cách tăng cường nhập thủy sản để chế biến trong nước. Làm như vậy, sẽ có điều kiện tăng kim ngạch, tránh lãng phí cơ sở và dây chuyền sản xuất, lại giữ được bạn hàng. Ngành sản xuất linh kiện máy tính kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện để hàng máy tính lắp ráp của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, đại diện Hiệp hội cơ khí, trong tình hình khó khăn, các DN cần liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đặt hàng và phân công đảm nhận những công đoạn trong chế tạo những sản phẩm lớn, nhất là kết cấu thép, công trình công nghiệp, nhà xưởng, tạo ra nguồn hàng có chất lượng tốt, giá thành hạ và mở thêm cơ hội xuất khẩu tại chỗ trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư nước ngoài đang triển khai xây dựng hạ tầng trong nước.

 

Theo Hồng  Sơn (Hanoimoi)