Đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế
Việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng, là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, việc chấp nhận, đáp ứng theo tiêu chuẩn của thế giới là cách duy nhất để khẳng định năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh các ngành hàng chủ lực là dệt may, da giày..., theo thông tin từ Bộ Công Thương, thời gian tới, những mặt hàng liên quan đến lâm sản - đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện, như Giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện; Quản trị rừng và lâm nghiệp, các tiêu chuẩn: Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) và phát thải CO2...
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, để tiếp tục tạo được sự khác biệt, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam thì phải chấp nhận theo tiêu chuẩn của thế giới. Đây là cách duy nhất để khẳng định năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề toàn cầu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng các chương trình hành động triển khai chiến lược xuất khẩu này. Hy vọng rằng có thể giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận lâu dài để phát triển xuất khẩu bền vững.
Xuất phát từ kinh nghiệm của doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công và bước đầu xây dựng thương hiệu tại thị trường EU, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu có những khó khăn nhất định, theo đó, DN phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phải đảm bảo, số lượng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại, mẫu mã bao bì và con người từ quản lý đến công nhân đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường cảnh quan nhà máy... và làm dần từng bước một thì hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU, châu Âu cũng như thị trường quốc tế nói chung.
Thực tế, cần nhìn nhận rằng, việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng, là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp thâm nhập và có chỗ đứng tại thị thế giới.
Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn hóa, hiện nay, mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%.
Với định hướng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có vị trí xứng đáng tại thị trường trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, nhanh chóng đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới.