Việt Nam sẽ chủ trì 2 đến 3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030”, đó là Việt Nam đưa ra mục tiêu chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
“Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” được thực hiện với quan điểm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.
Mục tiêu của “Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030” cũng được chia thành 2 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật. Đạt được tối thiểu 70% số lượng tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của Ban chấp hành của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Giai đoạn 2 là đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm. Tất cả các Bộ ngành hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn. Sẽ có tối thiểu 70% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được công bố.
Theo TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp sẽ khó tồn tại, cũng như giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.
Được biết, để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa.