Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu
Trong 3 ngày từ ngày 27-29/8, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo rà soát Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một nội dung được Chính phủ và Bộ Tài chính rất quan tâm.
Đây cũng là chương trình trọng điểm mà Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ triển khai các bước chuẩn bị, tổng hợp và xây dựng dự thảo các văn bản quy định của pháp luật để báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ vào cuối tháng 10/2024 và trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới. Tổng cục Thuế đã có nhiều cuộc họp và hội thảo với các cơ quan của Trung ương và địa phương cũng như các cuộc trao đổi, tham vấn các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị các thành viên tham gia xây dựng Nghị định tranh thủ cơ hội này để trao đổi cụ thể các quy định đang được xây dựng tại Dự thảo với chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đảm bảo Nghị định được xây dựng phù hợp các hướng dẫn của OECD và không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định khi đưa các quy tắc chung theo quy định của OECD vào xây dựng dự thảo Nghị định phải đáp ứng phù hợp với điều kiện quản lý thuế của Việt Nam nhưng không được trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo ông Lưu Đức Huy, thuế tối thiểu toàn cầu đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài và các quốc gia nhận đầu tư. Được coi là điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, song Việt Nam được nhận định là sẽ chịu tác động đáng kể từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là trong công tác xúc tiến, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nước ngoài. Đầu năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, do đó Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các hành động nhằm ứng phó và giảm thiểu các tác động bất lợi từ cơ chế mới này.
Tại Hội thảo, bà Félicie Bonnet - chuyên gia OECD đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 bao gồm rất nhiều nội dung hướng dẫn chưa được quy định cụ thể tại Nghị quyết này.
Theo bà Félicie Bonnet, thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là Thuế tối thiểu toàn cầu) là một trong hai trụ cột chính của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng vào tháng 6/2013 mà Nghị quyết số 107/2023/QH15 được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là minh chứng rõ nét cho quyết tâm này.
“Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia Thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng. Tại Hội thảo này, cá nhân tôi và các chuyên gia thuộc Trung tâm chính sách và quản lý thuế OECD sẽ tập trung chia sẻ những kinh nghiệm đến các chuyên gia thuế của Việt Nam với mong muốn sớm hoàn thiện được Dự thảo Nghị định để áp dụng trong thực tiễn”, bà Félicie Bonnet cam kết.