Để bảo hiểm xã hội là trụ cột an sinh
Khi nền kinh tế tạo ra việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động thời kỳ dân số vàng, việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ xuất phát từ nhu cầu và quyền lợi sát sườn của người lao động.
Những cải cách nói trên nhằm tới mục tiêu kép: Bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội và bảo đảm nâng tới mức tối đa số người thụ hưởng chính sách này, giảm áp lực lên xã hội trong xu hướng dân số Việt Nam ngày càng già hóa.
Nhìn một cách lạc quan, những tính toán nói trên quả thật cũng có nhiều cơ sở. Lựa chọn chỉ tăng lương hưu theo tỉ lệ lạm phát, vốn đang được chính người dân kiểm soát rất tốt hiện nay, nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội vừa không cần phải gồng mình chi trả theo các đợt điều chỉnh lương như trước mà vẫn bảo đảm nguồn thu ổn định từ chính sách này.
Cùng với đó, điều chỉnh tăng tuổi hưu đồng thời giảm tốc việc chi trả lương hưu từ quỹ, giảm số người và số năm thụ hưởng bảo hiểm xã hội; mặt khác, tối đa hóa mức đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Xét theo lý thuyết, bài toán cần hóa giải chỉ còn là việc cân đối thu - chi và tính cách sinh lợi một cách an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, tránh đi vào “vết xe đổ” nguy cơ thất thoát 1.500 tỷ đồng như món nợ của Công ty Cho Thuê Tài chính I, II bị công luận chỉ trích vào năm 2017.
Khi nền kinh tế tạo ra việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động thời kỳ “dân số vàng”, việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ xuất phát từ nhu cầu và quyền lợi, không dễ dàng thuyết phục người lao động đóng thêm nhiều năm bảo hiểm hơn để nhận được số năm nghỉ ngơi ít hơn so với dự định trước đó.
Có thể thấy, khu vực lao động chân tay sẽ phải gánh chịu thiệt thòi hơn cả. Trong khi đó, phần lợi thuộc về nhóm công chức, viên chức nhà nước. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc hạn chế bớt cơ hội việc làm của những người mới bước vào tuổi lao động.
Như vậy, nếu tình hình kinh tế - xã hội chưa có gì đột phá, dân số vàng sẽ thành gánh nặng trước cả viễn cảnh dân số già. Sự phản đối gay gắt đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ khi nó được lần đầu đưa ra vào năm 2014 là tấm gương phản ánh các mối tâm tư nêu trên.
Thêm vào đó, dù việc giảm lương hưu dựa trên tính toán lại tỷ lệ hưởng lương và phần điều chỉnh mỗi khi tăng lương một cách công khai, minh bạch, nhiều người sẽ viện dẫn ngay lý lẽ của sự công bằng.
Chính họ, đặc biệt là lao động thuộc khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, đã thực hiện nghiêm chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội để trả lương hưu cho đội ngũ công, viên chức, lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước suốt nhiều năm qua.
Khi doanh nghiệp nhà nước đã bị nhận diện “đóng góp nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia” nhưng những lao động thuộc khu vực này vẫn được hưởng chế độ hưu trí tốt hơn, điều này xem ra vẫn rất khó thuyết phục dư luận.
Minh bạch thông tin
Theo các chuyên gia, nếu muốn dự báo mức thu chi bảo hiểm xã hội 5 năm tới, phải có số liệu trong 15 năm, muốn dự báo tương lai 10 năm thì phải có số liệu 30 năm. Chỉ như vậy, các chuyên gia mới có thể đưa ra được những con số tương đối chính xác. Đó là còn chưa kể thay đổi trong quan điểm về an sinh xã hội của Nhà nước.
Điểm khó nhất hiện nay là nhiều vấn đề liên quan tới thu chi, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn “bí ẩn”, ngay cả đối với các chuyên gia. Chưa thực hiện đầy đủ công khai minh bạch không chỉ làm khó việc thuyết phục người dân tin tưởng vào chính sách mới mà còn gây ra nhiều hoài nghi về khoảng cách xa vời giữa chính sách và thực tế.
Đối diện với nhiều câu hỏi chưa tìm được lời đáp thỏa đáng nói trên, con đường đi tìm đáp số cho việc sử dụng hợp lý và an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội đương nhiên phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Chiếc chìa khóa vạn năng chính là một nền kinh tế phát triển, có nội lực. Khi đó, những vướng mắc sẽ được hóa giải hoặc dung hòa theo cách này hoặc cách khác.
Việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ xuất phát từ nhu cầu và quyền lợi sát sườn của người lao động chứ không phải do nhiều lời hiệu triệu. Quỹ bảo hiểm xã hội, vì thế, sẽ có được nguồn thu tốt. Các hoạt động đầu tư theo đúng quy định của pháp luật từ nguồn tín dụng của quỹ này cũng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70% người dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Điểm nghẽn xuất phát từ cơ cấu nền kinh tế tạo nên thực trạng lao động trong khu vực nông nghiệp và phi chính thức, nhóm đối tượng chưa có tiềm lực hay điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội vẫn chiếm số lượng lớn cũng sẽ được khơi thông.
Cơ hội việc làm mở ra nhiều hơn với nhóm đối tượng này, cộng với nguồn thu ngân sách tăng trưởng đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế sẽ giúp cho nhóm dân số này được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gần với sự thật hơn.
Theo các chuyên gia, kịch bản lý tưởng trong vấn đề bảo hiểm xã hội chỉ xảy ra trong một nền kinh tế tiến dần tới thịnh vượng. Nếu không được như vậy, phải thừa kế cho đời sau những nền tảng, tiềm lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, từ đó có thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ.