Để cổ phiếu trên sàn không bị lãng quên
Với cả nghìn mã cổ phiếu đang có mặt trên bảng điện, việc nhớ tên hết các mã chứng khoán, tên công ty cùng ngành nghề kinh doanh và đặc thù tài chính là điều không dễ dàng. Vậy làm sao để nhà đầu tư biết đến mã cổ phiếu của mình và doanh nghiệp đạt được mục tiêu khi niêm yết? Đây là câu hỏi khó đặt ra với ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, và cả những người làm thị trường.
Chỉ tiêu giá 100.000 đồng/cổ phiếu
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch hoạt động và giao chỉ tiêu đầu năm 2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp nói ngắn gọn: Tôi không cần biết các anh, chị làm gì, nhưng cuối năm, giá cổ phiếu của công ty mình phải đạt 100.000 đồng/cổ phiếu.
Một câu nói ngắn gọn, nhưng đủ khiến bộ phận tài chính và quan hệ nhà đầu tư của công ty này “xanh mặt”.
“Xanh mặt” vì thực tế, kết quả kinh doanh của công ty dù có tốt so với mặt bằng chung, nhưng việc cổ phiếu hầu như không có thanh khoản và từ khóa tên công ty, mã chứng khoán hầu như không xuất hiện trên truyền thông.
Thậm chí, mã chứng khoán này hầu như không nằm trong báo cáo khuyến nghị mua/bán của các công ty chứng khoán.
Với những doanh nghiệp quy mô lớn, cơ hội để nhà đầu tư biết đến từ hoạt động kinh doanh là khá lớn khi bản thân các hoạt động kinh doanh cũng là những thông tin hữu ích giúp nhà đầu tư nhớ đến tên tuổi, thương hiệu.
Nhưng với những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh không có nhiều sự kiện nổi bật, quy mô thường thường và hiệu quả kinh doanh không quá xuất sắc, thì làm cách nào để nhà đầu tư nhớ tới?
Loại hình thông tin nào giúp cổ phiếu được quan tâm?
Dưới đây là bảng thống kê theo tỷ lệ các yếu tố giúp doanh nghiệp được chú ý. Bảng này được thành lập thông qua sự hỗ trợ của 3 phòng môi giới tại Hà Nội, với quy mô hơn 100 nhà đầu tư cá nhân và hơn 10 nhà đầu tư tổ chức.
Không tính đến các doanh nghiệp có thương hiệu lớn sẵn có (như nhóm ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản, công ty chứng khoán, công nghệ, phân phối, hàng tiêu dùng… TOP đầu) – vốn là những doanh nghiệp luôn nhận được sự chú ý của đa số các nhà đầu tư.
Dữ liệu thống kê cho thấy, với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ báo về thông tin giao dịch/giá đột biến và thông tin trên truyền thông (bao gồm báo chí và diễn đàn) luôn là một căn cứ quan trọng để các nhà đầu tư để mắt đến 1 cổ phiếu mới lạ, hoặc vốn được ít chú trên thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân đại chúng dường như ít dành thời gian (hoặc có thể ít có cơ hội) săn tin trực tiếp từ doanh nghiệp. Các thông tin về môi giới cũng được nhà đầu tư cá nhân tham khảo đầu tư, trong khi các báo cáo phân tích được tham khảo ở mức hạn chế hơn.
Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán cho biết, một trong những kinh nghiệm quan trọng giúp ông trở thành môi giới có lượng khách hàng khá lớn tại công ty chứng khoán nơi ông làm việc (nằm trong TOP 5 thị trường) là môi giới phải biến thành tai và mắt giúp nhà đầu tư cá nhân.
Tức là, môi giới phải có được thông tin từ doanh nghiệp và báo cáo phân tích để gửi sẵn cho nhà đầu tư cá nhân, vì thứ họ quan tâm từ môi giới chỉ là tại sao mã chứng khoán này có đột biến? Có mua theo được không? Và mua được mã nào? Vì sao?
Trong khi đó, với các nhà đầu tư tổ chức, báo cáo phân tích các công ty chứng khoán và thông tin trực tiếp từ doanh nghiệp (bao gồm thông tin định như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, các cuộc họp đại hội đồng cổ đông, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp…) lại là những thông tin đặc biệt quan trọng.
Nhà đầu tư tổ chức không ra quyết định dựa trên các thông tin truyền thông, nhưng lại coi đây là kênh tham khảo quan trọng để làm tiền đề làm việc chi tiết hơn các thông tin với doanh nghiệp.
Dữ liệu trên không đại diện cho quan điểm của tất cả các nhà đầu tư, nhưng cũng phản ánh câu chuyện, muốn được nhà đầu tư chú ý thì DN cần thực thi quá trình “tự marketing” với các nhà đầu tư, thông qua các công cụ truyền thông và các kênh tương tác với nhà đầu tư.
Tất nhiên, không phải mọi con đường truyền thông đều mang lại hiệu quả, nhưng chờ “hữu xạ tự nhiên hương” trên TTCK hiện nay, quả thực… không mấy khả thi.