Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào cuối tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Năm 2014, dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN không chịu cổ phần hóa, thì phải thay thế”. Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu DNNN.
Đã có nhiều bước tiến
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Kết luận số 50-KL/TW, ngày 29/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI), trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo tập trung tái cơ cấu DNNN với nhiệm vụ bao trùm là hoàn thiện thể chế, thực hiện tái cơ cấu, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, đổi mới quản trị doanh nghiệp. Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/2012/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.
Sau đó, để phân định rõ hơn về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN, bao gồm các chủ thể là Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh; Tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, ngày 15/11/2012.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt nghị định. Đó là: Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, ngày 25/6/2013 ban hành quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả, công khai thông tin với doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 206/2013/NĐ-CP, ngày 09/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, Nghị định 71 đã quy định các chế tài buộc các DNNN phải thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã quy định rõ ràng lương, thưởng của viên chức quản lý DNNN theo Nghị định số 50/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quy định rõ ràng và bổ sung các giải pháp khắc phục bất cập trong các hình thức sắp xếp, tái cơ cấu DNNN tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, ngày 13/11/2013 về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, ngày 20/11/2013 sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Cùng với hệ thống cơ chế đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt các Đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến nay lên 4.065 doanh nghiệp. Cụ thể: Năm 2011 cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp; Năm 2012: 13 doanh nghiệp; Năm 2013: 74 doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, đạt 19%, bảo toàn được vốn, theo đúng các quy định hiện hành.
Sang năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP, ngày 06/03/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Nghị định 19/2014, ngày 14/3/2014 về điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngày 12/3/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Chỉ thị 06/CT-TTg đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN.
Hiện tại, Văn phòng Chính phủ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt chính sách quan trọng, như: Tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; Tổ chức, quản lý, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước; Quy chế đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp; quy định sửa đổi, bổ sung về bán, giao DNNN; Quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước làm chủ sở hữu…
Dựa trên những cơ chế, chính sách và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đang chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các bước trong quy trình cổ phần hóa, như: thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa; lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp; tổ chức định giá, kiểm toán và công bố giá trị doanh nghiệp; phê duyệt phương án cổ phần hóa; xây dựng kế hoạch cổ phần hóa cụ thể từng doanh nghiệp…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, tính từ ngày 01/01/2014-20/03/2014, cả nước cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp, bao gồm: 11 tổng công ty; 2 doanh nghiệp độc lập và 2 bộ phận doanh nghiệp. Riêng Bộ Giao thông vận tải cổ phần hóa 10 tổng công ty.
Bên cạnh việc cổ phần hóa, còn có 14 doanh nghiệp đã thực hiện các hình thức sắp xếp khác. Trong số này, 2 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; 3 doanh nghiệp giải thể; 1 doanh nghiệp đề nghị phá sản; bán 1 doanh nghiệp; sáp nhập 6 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp chuyển thành đơn vị sự nghiệp.
Cũng trong thời gian qua, 13 doanh nghiệp đã thực hiện bán cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán (9 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải, 4 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng). Trong điều kiện thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc, việc bán đấu giá đạt kết quả tương đối khả quan.
Tính chung, số cổ phần đăng ký mua đạt 49% khối lượng chào bán. Đặc biệt, có doanh nghiệp có khối lượng đăng ký gấp từ 3-7 lần khối lượng chào bán; giá đấu thành công bình quân là 12.839 đồng/cổ phần, giá đấu thành công bình quân cao nhất đạt 21.848 đồng/cổ phần; thặng dư thu từ bán cổ phần là 239 tỷ đồng; đã thoái vốn nhà nước đầu tư tại 22 doanh nghiệp với giá trị 354 tỷ đồng.
Để thúc đẩy hơn nữa tiến trình tái cơ cấu
Mặc dù có những kết quả khả quan, nhưng có thể thấy rằng, quá trình cơ cấu lại DNNN mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN, mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ hiệu quả nguồn lực nhà nước, cũng như điều chỉnh chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, tái cơ cấu ngành nghề và hiệu quả hoạt động của DNNN. Để khắc phục được những bất cập này, đồng thời thúc đẩy hơn nữa tiến trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, theo nghiên cứu của chúng tôi, cần tập trung triển khai những giải pháp sau:
Thứ nhất, về ngành nghề lĩnh vực kinh doanh:
Cần xác định đúng, rõ, có tính ổn định (tương đối) và dài hạn về định hướng tái cơ cấu đối với từng DNNN (về cấu trúc sở hữu, ngành nghề chiến lược, vị trí trong kinh tế nhà nước, hình thức tổ chức pháp lý). Đây là con đường ngắn hơn để đạt mục tiêu dài hơn, giảm chi phí cơ hội cho sắp xếp, đổi mới toàn bộ khu vực DNNN (trong 10 năm qua, đã có 4 lần thay đổi các tiêu chí sắp xếp, phân loại DNNN). Các DNNN phải sắp xếp, phân loại, chuyển đổi nhiều lần dẫn đến không ổn định tư tưởng để kinh doanh, nảy sinh tư duy ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn cùng với tư duy nhiệm kỳ đưa đến hậu quả rất nguy hiểm.
Chú trọng kiểm soát việc thành lập mới các DNNN trong tương lai, đổi mới tư duy trong xây dựng đề án chuyển đổi, thành lập, tái cơ cấu DNNN. Kiểm soát việc thực thi đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt cả về chất lượng và tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, về nâng cao hiệu quả kinh doanh và quản trị DNNN:
Tập trung các nỗ lực tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo sự chuyển biến về chất đối với công ty mẹ trong thực hiện vai trò đầu tầu, dẫn dắt, định hướng, giám sát đối với các công ty con, công ty liên kết; thực hiện tốt chức năng giải trình, công khai, minh bạch thông tin như công ty đại chúng.
Chuyển mạnh sang áp dụng các biện pháp tái cơ cấu có tính thị trường và đa dạng hóa cơ cấu sở hữu, cổ phần hóa các DNNN, công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thực hiện các biện pháp tạo lập, kích thích, nuôi dưỡng, phát triển các yếu tố thị trường trong lựa chọn, đào thải DNNN, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động. Tạo sức ép trách nhiệm và động lực hơn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động trước hết của cán bộ lãnh đạo, quản lý; gắn trách nhiệm trong thực thi công vụ, quyền và nghĩa vụ rõ ràng.
Áp dụng tính minh bạch và công khai là một nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp hiện đại để tái cơ cấu DNNN; cải thiện quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường, chống tiêu cực hóa, thất thoát, lợi ích nhóm, thúc đẩy thực hiện cơ chế giám sát thay thế dần cho phương thức thanh tra, kiểm tra, can thiệp trực tiếp, ít tác dụng, ẩn chứa những rủi ro lợi ích nhóm và cá nhân.
Đặt các DNNN trong môi trường cạnh tranh; dùng cơ chế cạnh tranh và kiểm soát độc quyền tạo sức ép, thúc đẩy cơ chế mua, bán, sát nhập doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ nắm vai trò tạo lập khung pháp lý, kiểm soát, giám sát mua, bán, sát nhập, thâu tóm theo pháp luật.
Thứ ba, về cơ quan đại diện chủ sở hữu:
Thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải xác định rõ đầu mối chủ sở hữu nhà nước, hoặc tổ chức có tính chuyên trách, chuyên nghiệp, có trách nhiệm, có tổ chức phù hợp để giảm tình trạng kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm trong quản lý DNNN.
Hiện nay, có nhiều phương án được đưa ra xem xét để triển khai tách tổ chức và bộ máy thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với tổ chức và bộ máy thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cụ thể:
Phương án 1: Không hình thành cơ quan chuyên trách tập trung để thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, mà giao cho các bộ quản lý ngành thống nhất đại diện chủ sở hữu với các DNNN có ngành nghề kinh doanh chính thuộc ngành quản lý của các bộ, ngành (trừ các DNNN do UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước). Tại các bộ sẽ thành lập cục, vụ chuyên trách làm đầu mối. UBND TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, như: các bộ, ngành.
Đối với các UBND cấp tỉnh khác chỉ thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN còn lại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức giám sát thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các cơ quan đầu mối nêu trên.
Phương án 2: Thành lập nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước như mô hình của SCIC hiện nay, theo các ngành và lĩnh vực, địa bàn.
Phương án 3: Thành lập cơ quan chuyên trách dưới hình thức ủy ban (ủy ban giám sát và quản lý DNNN). Chức năng của ủy ban là cơ quan ngang bộ làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng. Các bộ, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN thực hiện cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích. SCIC thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN còn lại.
Phương án 4: Thành lập cơ quan chuyên trách cấp Trung ương với hình thức bộ (ví dụ: Bộ Quản lý DNNN – Mô hình của Indonesia). Các bộ khác, UBND cấp tỉnh, SCIC: như phương án 3.
Việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là việc rất khó, cần nghiên cứu và thực hiện thí điểm mô hình này với thời gian và bước đi phù hợp, không nóng vội, duy ý chí, nhưng cũng cần đầu tư thời gian, công sức để đẩy nhanh tiến trình thực hiện công việc này./.
Tài liệu tham khảo
1. Văn phòng Chính phủ (2014). Thông báo số 146/TB-VPCP, ngày 8/4/2014 truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
2. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (2014). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014
3. Đỗ Kim Dư (2014). Để công cuộc tái cơ cấu DNNN không đơn thuần là “thay áo mới”!, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1/2014
4. Vũ Văn Ninh (2014). Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-XI/2014/26483/Tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-nhung-ket-qua-dat-duoc.aspx