Để doanh nghiệp không "ngại" nộp thuế điện tử
Mục tiêu của ngành Thuế trong năm 2015 sẽ mở rộng nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế và qua các kênh điện tử của các ngân hàng thương mại. Theo đó, phấn đấu đạt 90% DN nộp thuế điện tử ở cả 3 chỉ tiêu về số DN, số chứng từ nộp thuế và số tiền thuế thu được.
Tâm lý e dè
Thời gian qua, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã kịp thời ban hành các hướng dẫn thu nộp ngân sách và hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà và tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế vào NSNN.
Theo đó, các thủ tục về chứng từ, quy trình nộp thuế theo từng hình thức nộp thuế đã được cơ quan Thuế tuyên truyền tới DN. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho người nộp thuế, ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế phối hợp trong công tác thu nộp.
Trên cơ sở đó, người nộp thuế đã được sử dụng nhiều tiện ích thanh toán của ngân hàng để thực hiện nộp thuế theo các kênh giao dịch khác nhau như: Nộp thuế điện tử do Tổng cục Thuế và ngân hàng thương mại phối hợp cung cấp; nộp thuế điện tử theo các kênh cung cấp riêng của ngân hàng; nộp thuế theo hình thức thanh toán chuyển khoản không dùng tiền mặt. Riêng đối với một số món nộp nhỏ thì người nộp thuế vẫn thực hiện tại ngân hàng hoặc Kho bạc.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11/2015, tỷ lệ DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 92% nhưng số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp NSNN bằng phương thức điện tử còn thấp... Tổng cục Thuế lý giải nguyên nhân người nộp thuế chưa tích cực nộp thuế qua phương thức điện tử là do thói quen sử dụng tiền mặt, do còn nợ ngân hàng nên không để số dư tiền trong tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, có tâm lý lo lắng về mức độ an toàn, bảo mật trong nộp thuế điện tử.
Cơ quan Thuế cũng chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc nộp thuế điện tử của DN như: Phí chuyển tiền theo quy định của ngân hàng khi thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử và quy định thanh toán của Ngân hàng Nhà nước giới hạn độ dài lệnh thanh toán làm tăng chi phí của DN vì phải tách các khoản nộp thuế thành nhiều lần giao dịch; Thông tin giữa Ngân hàng- Thuế- Kho bạc đôi khi có sai lệch dẫn đến giao dịch nộp thuế của DN không thành công, bị hoàn trả.
Mặt khác, một số cơ quan, bộ, ngành chưa chấp nhận chứng từ điện tử khiến cho DN thấy bất tiện khi nộp thuế điện tử đối với các khoản như: Lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, đất đai.
Xây dựng chính sách khuyến khích
Theo yêu cầu của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh hình thức nộp thuế điện tử, một mặt Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tham gia nộp thuế điện tử là góp phân nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Đồng thời, phối hợp với ngành Thuế tổ chức các chương trình tuyên truyền như: Tuần lễ hỗ trợ DN nộp thuế điện tử, hội nghị, hội thảo về nộp thuế điện tử để vận động các DN đăng ký và tham gia nộp thuế điện tử đối với tất cả các khoản thuế phát sinh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ phí chuyển tiền…
Về phía cơ quan Thuế, hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thủ tục về thu nộp NSNN đối với các khoản thuế và thu nội địa. Đây sẽ là văn bản pháp lý để khắc phục tình trạng thông tin thu, nộp thuế còn thiếu, phải tra soát nhiều dẫn tới việc hạch toán trừ nợ cho người nộp thuế chưa được phản ánh kịp thời… nhằm khuyến khích DN tham gia nộp thuế điện tử.
Theo đó, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục về thu nộp NSNN đối với các khoản thuế và thu nội địa, Tổng cục Thuế quy định rõ thủ tục nộp thuế điện tử từ khâu hướng dẫn người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế đến thủ tục tiếp nhận và xử lý chứng từ của cơ quan Thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế hướng dẫn các thủ tục nộp thuế tại điểm giao dịch của ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin, dữ liệu thu nộp NSNN giữa Ngân hàng - Kho bạc - Thuế theo phương thức giao dịch điện tử và sử dụng chứng thư số của từng cơ quan để xác nhận tính pháp lý.
Tổng cục Thuế kỳ vọng khi Thông tư hướng dẫn thủ tục về thu nộp NSNN đối với các khoản thuế và thu nội địa được Bộ Tài chính thông qua, cơ quan Thuế sẽ hỗ trợ người nộp thuế lập Giấy nộp tiền vào NSNN nhanh chóng, chính xác, an toàn và bảo mật thông tin trong toàn bộ quá trình thực hiện nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thực hiện đối chiếu, tra soát phương phương thức điện tử gắn chữ ký số; tạo điều kiện mở rộng phối hợp thu NSNN đối với các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam...
Đối với người nộp thuế sẽ dễ dàng nộp thuế vào ngân sách; đảm bảo tính pháp lý khi in và sử dụng Giấy nộp tiền vào NSNN bằng điện tử, gắn chữ ký số. Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước dễ dàng chuyển thông tin và tiền nộp NSNN đầy đủ, chính xác và kịp thời...