Kết nối với ngân hàng để triển khai nộp thuế điện tử
Nộp thuế điện tử được đánh giá là bước tiến trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi và lợi ích thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp (DN). Đây cũng chính là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại trong giai đoạn hội nhập.
Vĩnh Phúc là một tỉnh tập trung khá nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc thực hiện nộp thuế điện tử ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay đã có 4.156 DN đăng ký nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ gần 98%.
Cục trưởng Thuế tỉnh Vĩnh Phúc Doãn Tiến An cho biết, ngoài việc tổ chức nhiều cuộc hội nghị tập huấn cho tất cả các DN đang hoạt động trên địa bàn, Cục Thuế đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho mỗi cán bộ, công chức phụ trách từng nhóm đối tượng, từng nhóm DN để vận động tham gia nộp thuế điện tử.
Thời gian đầu tuy còn e dè nhưng đến nay các DN đã dần chuyển biến, thấy được sự tiện lợi và đã chủ động đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử.
Chị Phùng Thị Thu Hà, kế toán viên Công ty TNHH Công nghệ Cosmos cho biết: Trước đây, cứ mỗi lần đến kỳ nộp thuế, công ty phải mất khá nhiều thời gian, sử dụng hai kế toán viên bao gồm kế toán thuế và kế toán ngân hàng để thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định. Thế nhưng, từ khi thực hiện nộp thuế điện tử, mọi thủ tục nộp thuế của DN này được thực hiện tại chỗ thông qua mạng in-tơ-nét được kết nối trực tiếp với trang thông tin điện tử của Cục Thuế, có thể khai thuế mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, việc triển khai nộp thuế điện tử cũng đã tiết kiệm được chi phí cho DN. “Hằng năm, công ty mất một khoản chi phí do in ấn các loại giấy tờ, hóa đơn phục vụ cho việc nộp thuế, nếu đem ra cân có thể đến hàng trăm kg. Nhưng nhờ nộp thuế điện tử, công ty đã không còn phải mất thêm chi phí cho các khoản in ấn này”- chị Hà chia sẻ.
Bà Lê Thanh Mai, Giám đốc VietinBank chi nhánh Vĩnh Phúc - một trong những đơn vị đầu tiên triển khai nộp thuế điện tử- cho biết, ban đầu triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cũng gặp nhiều khó khăn, vì thói quen của DN thường đặt nặng việc sử dụng giao dịch cần phải có giấy tờ, cho nên khi nộp thuế điện tử, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn, lo lắng.
Không ít DN cũng lo sợ về vấn đề bảo mật thông tin, lo tiền có được chuyển đến đúng địa chỉ hay không. Chính vì vậy, ngân hàng đã phối hợp với Cục Thuế, Hội Doanh nghiệp của tỉnh để mở các buổi truyền thông giúp DN hiểu sâu sắc hơn về tiện ích của việc nộp thuế điện tử.
Trong khi đó, theo số liệu từ Kho bạc tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi triển khai việc nộp thuế điện tử qua ngân hàng, đến nay, ngành đã triển khai trên diện rộng, tiếp nhận thông tin thu từ các ngân hàng thương mại có ký thỏa thuận phối hợp trên địa bàn. Điều này không chỉ tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến số thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo Giám đốc Kho bạc Vĩnh Phúc Phí Văn Tăng, từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, số thu NSNN đã đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, trong đó thu qua ngân hàng đạt gần 20 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, việc triển khai nộp thuế điện tử qua hệ thống ngân hàng đã tạo một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đơn vị thuế.
Tuy nhiên, mặc dù đã về đích trong việc đạt tỷ lệ DN đăng ký kê khai nộp thuế điện tử nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa hết lo lắng. Bởi, hiện nay trong cơ cấu thu ngân sách của Vĩnh Phúc, số thu từ DN FDI chiếm đến 85%, trong đó, hai công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam chiếm tới 75% số thu của tỉnh nhưng lại chưa thực hiện việc nộp thuế điện tử theo quy định.
Hiện, Công ty Honda Việt Nam chỉ mở duy nhất một tài khoản tại Ngân hàng ANZ cho toàn hệ thống, trong khi đó, ngân hàng ANZ tại Việt Nam chưa kết nối được với hệ thống của Tổng cục Thuế, cho nên chưa thực hiện được nộp thuế điện tử.
Còn Công ty Toyota Việt Nam, hằng năm nộp NSNN khoảng 12 nghìn tỷ đồng, mặc dù đã thực hiện nộp thuế vào NSNN bằng phương thức e-banking tại Ngân hàng CitiBank nhưng ngân hàng này cũng chưa kết nối với hệ thống Tổng cục Thuế cho nên chưa phản ánh số tiền nộp thuế điện tử của DN này vào kết quả của Cục Thuế Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, một số DN nhỏ, siêu nhỏ tuy đã đăng ký nộp thuế điện tử nhưng không có số dư trong tài khoản ngân hàng bởi thói quen sử dụng tiền mặt, cho nên khi có phát sinh thuế và đến kỳ nộp thuế, DN lại mang tiền mặt đến nộp.
Chính vì vậy, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, ngành thuế cần đẩy mạnh việc kết nối với tất cả hệ thống các ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN cũng như có quy định đối với DN khi nộp thuế chỉ thực hiện duy nhất một phương thức nộp thuế điện tử.
Giám đốc tài chính Công ty điện tử Huesung Vina Kyoung Suk Kang cho rằng, việc nộp thuế điện tử phụ thuộc rất nhiều vào việc truyền nhận dữ liệu giữa ngân hàng và DN.
Do đó, vấn đề nâng cấp đường truyền, đồng bộ dữ liệu cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa để việc nộp thuế điện tử được nhanh chóng, bảo đảm an toàn và thông suốt.